Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin giới thiệu :
Dưới đây là bài báo và hình ảnh về ĐGM Kontum tại Cộng đoàn Công giáo Mân Côi Chicago.
.
XIN KÍNH MỜI
.
Thông điệp của ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh tại hải ngoại:
Hãy khuyến khích con cháu chúng ta nói tiếng Việt trong gia đình
CHICAGO (31/07/2014) – Theo chương trình mục vụ tại Chicago vào cuối tháng 7 năm 2014, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã đến chủ tế Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày thứ Bảy tuần qua và thánh lễ mừng kính Đức Mẹ La Vang vào chiều Chúa Nhật tại Cộng đoàn Công giáo Mân Côi Chicago.
Sau Thánh lễ, Đức cha Micae đã được cộng đoàn mời chủ toạ nghi thức khai mạc chương trình văn nghệ Việt Nam với sự tham dự của hai nghệ sĩ tên tuổi hải ngoại là danh ca Như Quỳnh và Đan Nguyên cùng nhiều ca sĩ địa phương. Trong diễn từ khai mạc, ĐGM Micae đã gởi một thông điệp quan trọng đến các gia đình Việt Nam ở hải ngoại: “Hãy khuyến khích con cháu chúng ta nói tiếng Việt trong gia đình, bởi vì còn tiếng Việt, còn cộng đồng Việt; mất tiếng Việt, mất cộng đồng Việt.”
Gần 3.000 người Việt lương giáo (gần 1.000 người vào tối thứ Bảy và trên 2.000 người vào tối Chúa Nhật) đã trân trọng lắng nghe thông điệp của Đức cha. Bà con đồng hương đã từ nhiều tiểu bang gần thành phố Chicago đến tham dự (như TB Indiana, Michigan, Wisconsin, Minnesota, Iowa, Missouri, Kentucky và Ohio).
ĐGM. Micae Hoàng Đức Oanh chủ sự Thánh lễ tại Cộng đoàn Công giáo Mân Côi Chicago.
Tiếng Việt là thành trì của văn hoá Việt
Cách nay trên một thế kỷ, cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) đã nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn.”[1] Tiếng Việt còn thì người Việt còn vì ngôn ngữ của một dân tộc là thành trì văn hoá đầu tiên và cuối cùng của dân tộc ấy. Thuở xưa khi dân Do Thái bị đánh đuổi khỏi nước mình và phải lưu lạc khắp tứ phương. Nhưng đi tới đâu và ở nơi nào, các gia đình Do Thái vẫn tiếp tục học, viết và nói tiếng Do Thái. Nhờ vậy, trải qua nhiều thế hệ, các cộng đồng Do Thái vẫn hiện diện linh hoạt ở những quốc gia mà họ đã đến tỵ nạn, định cư trước đây.
Tiếng Việt là ngôn ngữ của yêu thương
Ngôn ngữ phản ánh những giá trị xã hội (social values) mà một dân tộc trân quý và bảo trọng. Những giá trị cao quý của văn hoá Việt Nam (như lịch sự, kín đáo, trang trọng, yêu thương) đã được chuyển tải sống động trong ngôn ngữ Việt. Văn hoá Việt thuộc nền văn hoá bảo cổ (past-oriented culture) nên chi Việt ngữ đã được dùng để chuyển tải những giá trị văn hoá nhân bản, lấy gia đình làm nền tảng để nương tựa và thăng tiến (như thảo kính cha mẹ, có tinh thần hiếu học, kính trọng người cao tuổi, bảo tồn những truyền thống hào hùng của tổ tiên để lại).
Tiếng Việt là ngôn ngữ của hàn gắn
Một trong những nguyên do làm cho một số gia đình người Việt ở hải ngoại không thành công là vì vấn đề ngôn ngữ, truyền thông. Tiếng Việt là một ngôn ngữ của tình cảm nên khi cha mẹ dùng tiếng Việt để dạy dỗ con cái thì có hiệu quả nhiều hơn là dùng tiếng Anh. Vì thế, khi bố mẹ nói mà con cái không chịu nghe lời; vợ chồng hiểu lầm nhau và dễ đưa đến tức giận, ly thân, ly dị. Ngoài ra, tiếng Việt còn là một ngôn ngữ của hàn gắn. Khi nghe, “Em xin lỗi anh!” hay “Em thông cảm cho anh nghe!” thì dễ được đón nhận, tha thứ và hàn gắn hơn là được diễn tả bằng Anh ngữ.
Tiếng Việt là ngôn ngữ của số lượng và chất lượng
Bàn về số lượng thì 2 phải hơn 1 – biết 2 ngôn ngữ thì tốt hơn là chỉ biết có 1 ngôn ngữ mà thôi. Ở Mỹ, càng biết nhiều ngôn ngữ lại càng có nhiều cơ hội về nghề nghiệp và tiến thân. Bàn về chất lượng, một người biết được nhiều ngôn ngữ thường sống bao dung hơn, thân thiện hơn, có tinh thần hợp tác hơn. Họ sẽ thành công khi làm việc chung với những người khác trong nhóm. Một số quốc gia trên thế giới như Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển đã bắt buộc mỗi học sinh phải biết đọc, biết viết và biết nói được ít nhất là 3 ngôn ngữ. Những quốc gia mà công dân của họ nói được nhiều ngôn ngữ, cảm nhận được nhiều nền văn hóa thường sống trong hoà bình – ít khi gay gắt tranh cãi hơn thua với nhau.
Đừng lo tiếng Anh. Hãy lo con em mình không nói được tiếng Viêt
Mỗi ngày học trò trung, tiểu học phải có mặt ở trường ít nhất là 7 tiếng đồng hồ. Đó là thời giờ mà các em được học trong lớp Mỹ và phải nói tiếng Anh. Khi trở về nhà, các em cũng phải cần ít nhất là 2 giờ để học bài và làm bài, chưa kể một số giờ khác cho TV và iPhone. Nếu được nói tiếng Việt tại ở nhà 1 hay 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì thật là hữu ích cho các em về tâm lý, giáo dục và tình cảm gia đình. Một sự kiện hiển nhiên cho nhiều phụ huynh ở Hoa Kỳ từ năm sau 1975 đến nay là chỉ cần ở trong trường Mỹ một thời gian, con em chúng ta đã nói tiếng Anh giống như người bản xứ, nhất là những học sinh bắt đầu đi học từ bậc tiểu học. Vì vậy, đừng lo con em chúng ta không biết nói tiếng Anh, mà hãy lo rằng con em chúng ta không nói tiếng Viêt.
Gần 40 năm (1975-2014) trải nghiệm
Dù hiện thời chưa có một nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này, nhưng qua gần 40 năm trải nghiệm tại Hoa Kỳ (1975-2014), đa số người Việt hải ngoại đã công nhận 2 đóng góp tích cực của Việt ngữ trong các gia đình người Việt ở hải ngoại[2] như sau:
* Nếu cha mẹ và con cái nói tiếng Việt trong gia đình: con cái nên người.
* Nếu vợ và chồng nói tiếng Việt trong gia đình: hôn nhân bền vững.
Xin cảm ơn ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã chuyển gởi thông điệp quý báu nầy đến cộng đồng người Việt hải ngoại.
———————
Hình ảnh:
Paul Trần
GPKONTUM (08/08/2014) KONTUM
http://gpkontum.wordpress.com/2014/08/08/thong-diep-cua-dgm-micae-hoang-duc-oanh-tai-hai-ngoai-hay-khuyen-khich-con-chau-chung-ta-noi-tieng-viet-trong-gia-dinh/#more-17837
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét