Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Ngày thứ hai chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô


“Hãy trở nên
những thừa sai loan báo Tin Mừng”
WHĐ (16.08.2014) – Ngày thứ hai của chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô được đánh dấu bởi hai sự kiện lớn: Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào buổi sáng tại Sân vận động “Cúp Bóng đá Thế giới” ở Daejeon, và cuộc gặp gỡ giới trẻ Á châu tại Đền Solmoe vào buổi chiều.
Những mô hình kinh tế phi nhân
Khoảng 50.000 người tụ hội tại sân vận động đã nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha tiến vào sân vận động trên một chiếc xe dành riêng cho Giáo hoàng, được báo chí giới thiệu là “made in Korea”. Bầu khí đã được hâm nóng trước đó bởi giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc.
Đây là thánh lễ đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành cùng với cộng đoàn tại Hàn Quốc trong chuyến tông du này. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi “các Kitô hữu của dân tộc này” hãy là “một sức mạnh quảng đại của sự canh tân tinh thần ở mọi môi trường của xã hội”. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời cảnh báo ngài đã đưa ra hôm trước đó khi gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc về mối nguy cơ có thể bị chết chìm trong một xã hội thế tục hóa và duy vật, và ngài kêu gọi các tín đồ phải cương quyết chống lại “sự lôi cuốn của chủ nghĩa duy vật đang bóp nghẹt các giá trị tinh thần và văn hóa, cũng như chống lại óc cạnh tranh không gì kềm hãm được đang làm nảy sinh sự ích kỷ và các mâu thuẫn”.
Trở về với chủ đề ngài tha thiết, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng mong ước được thấy người Hàn Quốc “tránh xa các mô hình kinh tế phi nhân vốn đang tạo ra những hình thức mới của sự nghèo khổ và đang đẩy người lao động ra ngoài lề xã hội, tránh xa nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa của sự sống, và vi phạm phẩm giá của từng con người, nam, nữ và trẻ em”.
Nỗi cô đơn của các xã hội hiện đại
Trong một đất nước đi đầu trong phong trào toàn cầu hóa với những sản phẩm được gần như mọi người tại Tây cũng như Đông phương biết đến, Đức Thánh Cha không ngần ngại lên án một hệ thống tư bản vốn là thủ phạm của những sự thái quá. Ngài cũng mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ giá trị của sự sống. Và để đáp lại lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha, “mỗi người phải trở lại lần nữa với lời của Chúa, với mối quan tâm đối với người nghèo, những người đang ở trong cảnh thiếu thốn và dễ bị tổn thương giữa chúng ta”.
Đức Thánh Cha đã nói đến ý nghĩa của sự tự do đích thực Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, “sự tự do nằm trong việc chúng ta tiếp đón với lòng yêu thương ý định của Cha. Từ Đức Mẹ Maria, đầy ơn phúc, chúng ta học được rằng sự tự do Kitô giáo không chỉ đơn thuần là sự giải phóng khỏi tội lỗi. Đó là sự tự do mở ra cho một cách thức mới nhìn các thực tại trần thế, sự tự do yêu mến Thiên Chúa cũng như anh chị em của mình với một con tim trong sáng, và sống với niềm hy vọng trong vui mừng trước việc Nước Đức Kitô đang đến”.
Hy vọng quả không thể thiếu trong xã hội phát triển của chúng ta. “Nó đi ngược lại với sự tuyệt vọng xem ra ngày càng tăng, như một căn bệnh ung thư trong xã hội với cái vẻ bề ngoài xem ra chẳng thiếu thứ gì, nhưng nhiều khi bên trong đang phải trải qua buồn phiền và trống trải”. Và Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các người trẻ, nhất là trong một đất nước nơi trẻ em và thiếu niên đang phải chịu sức ép nặng nề của xã hội. Có biết bao người trẻ của chúng ta phải trả giá cho sự tuyệt vọng này, chớ gì những người trẻ này không bị mất đi niềm hy vọng.
Solmoe, trái tim sống động của Công giáo Hàn Quốc
Điểm nhấn của buổi chiều ngày thứ hai của chuyến tông du này là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ công giáo châu Á tại Solmoe.
Địa điểm được chọn làm nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng bởi vì chính đây là cửa ngõ đạo Công giáo đi vào xã hội Hàn Quốc. Theo tiếng Hàn Quốc, Solmoe có nghĩa là “quả đồi nhỏ với rừng thông”. Chính tại nơi đây Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục đầu tiên người Nam Hàn Quốc, đã ra đời vào năm 1820 và đây cũng là nơi gia đình ngài sinh sống. Anrê Kim Taegon đã được chịu phép rửa tội vào năm 1836, lúc 16 tuổi, do tay linh mục người Pháp Pierre Philibert Maubant. Ngài đã thực hiện một cuộc đi bộ kéo dài sáu tháng tới Macao bên Trung Quốc để học đạo Công giáo, và khi về lại nước năm 1846, ngài đã dấn thân trong hoạt động truyền giáo.
Sự nhiệt thành truyền giáo của những người Công giáo tiên khởi Hàn Quốc đã bị nhà nước ra sức dập tắt. Anrê Kim Taegon bị giải tới Seoul và bị tống giam, trước khi bị treo cổ ngày 16/9/1846. Lúc ấy, ngài mới vừa 25 tuổi và mới được phong chức linh mục 13 tháng trước đó. Trước khi mất, cha Anrê Kim đã để lại một di chúc trong đó ngài ghi: “Tôi chết vì Chúa, nhưng đó lại là khởi đầu của một cuộc sống đời đời”. Máu của ngài và của các vị tử đạo của Giáo hội Hàn Quốc đã đổ ra là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của đạo Công giáo tại nước này.
Những người trẻ châu Á đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha
Cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phanxicô với những người tham dự Ngày Giới Trẻ châu Á đã bắt đầu với chứng từ của ba người trẻ, đại diện cho các thực tại khác nhau của châu Á: một thiếu nữ người Hàn Quốc, một người Hoa sinh sống tại Hồng Kông và một thiếu nữ người Campuchia.
Thiếu nữ người Campuchia chia sẻ tâm tình bị giằng xé giữa ơn gọi làm tu sĩ và nhu cầu tiếp tục việc học để giúp gia đình và những người nghèo khổ nhất.
Chứng từ thứ hai là của Giovanni, một người Hoa, 24 tuổi, sống tại Hongkong, nói đến tình cảnh của Giáo hội tại lục địa Trung Hoa luôn bị kiểm soát một cách gắt gao nhưng vẫn trung thành với đức tin Công giáo. Đồng thời, Gioavanni cũng bày tỏ ý muốn của đông đảo người trẻ tại Hongkong được tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại thành phố của họ.
Marina Park Giseon, người Hàn Quốc, cũng đưa ra những câu hỏi tế nhị về tình cảnh đất nước Hàn Quốc bị chia hai: “Nếu chúng con đã phải sống 60 năm trong hận thù lẫn nhau với miền Bắc, con nghĩ rằng lỗi không chỉ ở một phía”. Cô cũng nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật của xã hội Hàn Quốc đôi khi đã dẫn đến chỗ đánh mất các giá trị. “Xem ra chủ nghĩa tư bản tại Hàn Quốc không mấy đặt trọng tâm vào sự an ninh và hạnh phúc của con người”, cô nhận định.
Đức Thánh Cha đã chăm chỉ lắng nghe, ghi chép và nồng nhiệt cám ơn chứng từ của mỗi người, và trả lời ứng khẩu bằng tiếng Ý, sau khi đọc bài diễn văn của ngài với các người trẻ bằng tiếng Anh.
Với chứng từ thứ nhất, Đức Thánh Cha khuyên nên đi theo con đường Chúa đã chọn cho cô chứ không phải chọn một trong hai con đường mình tính chọn.
Với người Hàn Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em nói cùng một ngôn ngữ, hãy nghĩ tới anh chị em của mình ở miền Bắc, và khi trong gia đình, người ta nói cùng một ngôn ngữ, ở đó cũng có một niềm hy vọng của con người”.
Với các người trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Thần Khí Đức Giêsu có thể đem lại một sự sống mới cho con tim của mỗi người và có thể biến đổi từng hoàn cảnh, cho dù bề ngoài xem ra tuyệt vọng nhất”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi các người trẻ tập họp tại Solmoe hãy là những thừa sai loan báo Tin Mừng, “Tin Mừng về niềm hy vọng, tại trường học, nơi làm việc, trong gia đình, tại đại học và trong các cộng đoàn”.
(Lược thuật theo Vatican Radio, 15/8/2014)
Mai Tâm
Nguồn: 
 WHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét