Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

TGP.HÀ NỘI: Thánh lễ đại triều mừng đại lễ Giáng Sinh 2013


12/26/2013 9:24:29 AMSau thánh lễ Đêm Giáng Sinh, chia sẻ niềm vui mừng Sinh Nhật Chúa Giêsu với cộng đoàn giáo xứ Lại Yên - giáo hạt Chính Tòa, vào hồi 10g00 ngày 25 tháng 12 năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự thánh lễ đại triều trọng thể mừng lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội.
HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-1.jpg

Đoàn đồng tế trong thánh lễ đại triều đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli – Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức cha Phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh. Ngoài ra còn có các cha giáo sư Đại Chủng Viện, các linh mục trong giáo hạt Hà Nội và thầy phó tế cùng đồng tế với quý Đức Cha. Tham dự thánh lễ có quý nam nữ tu sỹ của Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Phao lô thành Charles cùng đông đảo giáo dân đến từ các giáo xứ trong và ngoài giáo hạt Chính Tòa.

Được biết, vào ngày 20 tháng 12, Đức TGM Phêrô đã chủ sự nghi thức sám hối và hòa giải cộng đồng cũng tại nhà thờ Chính Tòa của TGP. Sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm linh như vậy góp phần không nhỏ cho tất cả cộng đoàn mừng lễ Giáng Sinh thật thánh thiện và sốt sắng.

Trước khi bước vào cử hành thánh lễ, Đức TGM Phêrô đã long trọng thay mặt Tổng Giáo Phận đọc diễn văn  bằng tiếng Pháp chúc mừng lễ Giáng Sinh Đức TGM Leopoldo Girelli, qua đó bày tỏ tâm tình con thảo tới Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp đại lễ. Trong bài chúc mừng, có đoạn viết: " Trong niềm vui mừng của ngày đại lễ Giáng Sinh, cộng đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng con hân hoan đón chào Đức Tổng trong thánh lễ trọng thể này. Thay mặt Tổng Giáo Phận, con chào mừng Đức Tổng và bày tỏ tình hiệp thông sâu xa của con. Đức Tổng ở giữa chúng con nói lên sự hiện diện của Đức Thánh Cha, ngài mời gọi chúng con mở lòng mình ra với những người nghèo khó, những người đau yếu, những nạn nhân của tất cả những khổ đau trên toàn thế giới, đồng thời ngài muốn nói với chúng con rằng Giáo Hội là ngôi nhà tràn đầy niềm vui và sẵn sàng tiếp đón những người nghèo. Sự chỉ dẫn trên đây của Đức Thánh Cha đem lại cho chúng con niềm vui và bảo chứng cho việc dấn thân mục vụ trong khi chiêm ngắm Gia đình Thánh Gia trong hang đá, dấu chỉ của mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Tổng về sự hiện diện quý báu này. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui, sự bình an và ân sủng trong ngày đại lễ Giáng Sinh hôm nay".

Trong bài giảng, Đức TGM Phêrô đã nói lên ý nghĩa phụng vụ của ba thánh lễ Giáng Sinh : thánh lễ Đêm, thánh lễ Rạng Đông và thánh lễ Ban Ngày như một sự liên kết những sự kiện lịch sử diễn ra tại Bê-lem cách đây hơn 2000 năm với việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ cho nhân loại qua biến cố hạ sinh Đấng Cứu Thế. Mỗi Thánh lễ có ý nghĩa riêng và bổ túc cho nhau vì mầu nhiệm Thiên Chúa làm người thật là cao cả bao la. Tiếp đến, ngài khai triển:

"Lễ Đêm nói đến sự việc xẩy trong một đêm lịch sử cách đây 2.000 năm. Căn cứ vào biến cố đêm ấy mà cả thế giới tính ngày tháng năm : Năm nay là năm thứ 2013 sau Thiên Chúa giáng sinh.

Lễ Rạng Đông nói đến việc các người chăn chiên đến Bê lem thờ lạy Hài Nhi Giêsu có các thiên thần ca hát.

Lễ Ban Ngày không còn vẻ thơ mộng, không hang đá, không thiên thần ca hát, không mục đồng thờ lạy ... ngay cả không nói đến Hài Nhi, Đức Mẹ, thánh Giuse. Phụng vụ muốn chúng ta giờ đây chăm chú chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Trong suốt mùa Vọng, chúng ta đã được thánh Gioan Tẩy giả rao giảng, loan báo, chỉ cho thấy, làm chứng về Ngôi hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Thánh Gioan tông đồ gọi Đấng ấy là Ngôi Lời.

Truyền thống của Cựu Ước cho biết lời của Thiên Chúa chính là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, là Quyền năng của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa được ban cho thế gian như một sứ giả và chỉ hoàn thành sứ mạng mới trở về cùng Thiên Chúa. Vậy, Lời Thiên Chúa vừa ở trong Thiên Chúa mà can thiệp vào vũ trụ và cuộc sống mà Thiên Chúa đã tạo dựng, thì cũng chính Lời đó đi vào lịch sử loài người để thực hiện công cuộc cứu độ.

Vậy tâm tình đúng nhất, hữu ích nhất, đẹp lòng Chúa nhất, chính là theo gương đức Mẹ Maria ở Bê lem để lắng nghe và chiêm ngưỡng; để đón nhận lời Thiên Chúa với niềm tin. Như trong biến cố truyền tin : "Nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền", hay trong biến cố các mục đồng đến thờ lạy Hài nhi Giêsu, Phúc âm đã ghi lại : "Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ những sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng".Cũng như sau khi tìm lại được trẻ Giêsu ở Đền thờ, và khi về lại Nagiaret, Phúc âm nói về Mẹ Maria : "Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng". Và như vậy, chúng ta sẽ là những con người hạnh phúc nhất vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã nói (Lc 1, 46)".

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đáp từ diễn văn chúc mừng của Đức TGM Phêrô bằng những tâm tình quý mến. Đặc biệt ngài đã gửi tới cộng đoàn lời chúc mừng lễ Giáng Sinh bằng tiếng Việt làm cho cộng đoàn rất  thích thú và đáp lại bằng những tràng pháo tay không ngớt. Ngài nói: " Tôi rất lấy làm vinh dự hiện diện ở đây với anh chị em trong ngày đại lễ mừng Chúa giáng sinh. Người tín hữu trở về gia đình mình để mừng lễ Giáng sinh và hôm nay tôi cũng trở về gia đình mình là chính anh chị em. Con xin chân thành cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Phêrô và muốn thay mặt tất cả mọi người nói lên lời cảm ơn ấy. Như quý ông bà anh chị em đã biết, ngày đại lễ Giáng sinh không chỉ là đại lễ của người công giáo nhưng là đại lễ của toàn thể thế giới bởi vì Đức Kitô là biểu tượng vĩ đại nhất của sự bình an. Chính vì thế mà mỗi người công giáo chúng ta phải bày tỏ niềm vui trong ngày đại lễ này. Đêm hôm qua, Đức Thánh Cha đã hiện diện ở Đền thờ Thánh Phêrô và Ngài bày tỏ lòng ưu ái đến với mọi người đặc biệt là những anh chị em nghèo hèn. Vì vậy, trong niềm vui của ngày đại lễ này chúng ta chia sẻ niềm vui với tất cả mọi người. Lễ Giáng Sinh nói lên tình yêu của Thiên Chúa ở trong trái tim của mỗi người chúng ta. Vậy, tôi luôn hy vọng niềm vui của những người tín hữu tỏa lan ra tới mọi người trong những ngày này. Thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô tôi cầu chúc cho anh chị em niềm vui, sự bình an và may mắn trong mùa Giáng Sinh và Năm mới 2014 này. Đất nước Việt Nam luôn luôn ở trong tâm trí của Đức Thánh Cha".

Cuối thánh lễ, Đức TGM đã long trọng ban phép lành toàn xá của đại lễ Giáng Sinh cho tất cả cộng đoàn tham dự.

Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí sốt sắng và kết thúc trong niềm vui hân hoan của tất cả cộng đoàn.

(Bài viết: AT, Ảnh: Việt Anh, WTGP.Hà Nội 25.12.2013)


HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-2.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-3.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-4.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-5.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-6.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-7.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-8.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-9.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-10.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-11.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-12.jpg

HaNoi-DaiTrieuGiangSinh-13.jpg


TGP.SÀI GÒN: Đêm Thánh - Đêm rực sáng yêu thương

12/22/2013 4:12:36 PM“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi nơi.” (Ga 1, 9)
SaiGon-DemThanh-1.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cuối Đông, tiết trời trở nên se lạnh hơn, các hoạt động đón mừng lễ Giáng sinh càng lúc càng rộn ràng hơn. Trên những con phố trung tâm thành phố cũng như mọi nẻo đường dẫn đến các xứ đạo đều lung linh ánh đèn. Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp muôn nơi. Hòa trong niềm vui đó, vào lúc 19g00 ngày 20.12.2013, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM (TTMV) phối hợp với Ban Mục vụ Thánh nhạc TGP tổ chức Đêm nhạc Giáng sinh, với chủ đề: “Đêm Thánh - Đêm rực sáng yêu thương”. Đây là một hoạt động mang tính truyền thống từ nhiều năm qua, nhằm khơi dậy mọi người ý thức về mầu nhiệm yêu thương của Đấng Thiên Chúa Làm Người, và sống lời mời gọi trong Thư mục tử mùa Vọng: “Phúc - Âm - hóa đời sống gia đình”.

Trong đêm nhạc này, Ban Tổ chức cũng có lời kêu gọi mọi người cùng hưởng ứng lời mời gọi của Đức Hồng y, hãy mở lòng ra, chung tay góp sức vào việc xây dựng ngôi nhà mới cho Đại Chủng viện, như Thư mục tử mùa Vọng: “Đây cũng là hành động cụ thể góp phần vào việc đào tạo các linh mục tương lai, những người phục vụ trong cánh đồng truyền giáo còn bao la trên quê hương đất nước chúng ta.”

Thưởng thức đêm nhạc có khoảng 12.000 người đến từ khắp nơi trong giáo phận, trong đó đặc biệt có sự tham dự của Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn - TGM TGP TPHCM, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc - TGM phó TGP TPHCM, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha, Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, cha GB Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện TGP TP.HCM, cha Gioakim Trần Văn Hương - Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse. Đông đảo linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân tham dự, ngồi chật kín sân của TTMV và sân Trung tâm Văn hóa  - Đức tin, làm nên bầu khí đại gia đình sum họp hướng về đại lễ Giáng sinh 2013.

Đêm nhạc được bố cục thành hai phần: “Đêm Thánh” và “Đêm rực sáng yêu thương”, với 17 ca khúc và thánh ca Giáng sinh cổ điển và hiện đại. Đây là những ca khúc âm vang lời mời gọi của các vị chủ chăn trong TGP, hưởng ứng “Phúc - Âm - hóa đời sống gia đình”.

Trình diễn trong đêm nhạc có các em thiếu nhi đến từ giáo xứ Hạnh Thông Tây, ban hợp xướng Piô X, ca đoàn giáo xứ Tân Thái Sơn, ca đoàn tổng hợp đến từ nhiều giáo xứ trong giáo phận. Đặc biệt, tham gia trình diễn đêm nhạc có đông đảo quý cha, quý tu sĩ nam nữ đến từ các Hội dòng: Liên dòng Mến Thánh giá, dòng Mân Côi, dòng Đồng Công, dòng Đa Minh Rosa Lima và Đa Minh Bùi Chu. Nhiều ca sĩ Công giáo cũng là những tên tuổi của làng ca nhạc Thành phố hiện nay, đã tham gia biểu diễn: Gia Ân, Quang Thái, Minh Khoa, Thanh Sử, Xuân Trường, Diệu Hiền, Ngọc Mai, Khắc Thiệu, Tuyết Mai, Duyên Quỳnh, Hoàng Kim và Thùy Trâm.

Phần “Đêm Thánh” với 9 tiết mục đã dẫn đưa cộng đoàn quay trở về với thời khắc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Thế. Mở đầu và kết thúc bằng những bài hợp xướng, xen kẽ là những bài tốp ca, song ca và múa minh họa. Qua phần này, các ca sĩ đã giúp cộng đoàn cảm nghiệm niềm vui Chúa Giáng sinh, qua các ca khúc: Kinh cầu Giáng sinh, Đêm yêu thương, Nơi Bêlem, Slient Night, Đêm hồng phúc, Ba Vua lên đường.

Sân khấu của TTMV rộng thênh thang, đêm nay trở nên bé nhỏ khi được hơn 300 thiếu nhi nhuộm đỏ bằng sắc màu trang phục đặc trưng của “ông già Noel”, và không gian lộng gió của TTMV đã bừng lên trong những giai điệu rộn ràng của Mary’s boy child , Joy to the world…
Phần “Đêm rực sáng yêu thương” có 8 tiết mục, giúp mọi người mở lòng ra đón nhận ơn Giáng Sinh - ơn an bình, cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua các bài thánh ca và các ca khúc rộn ràng như: Hãy vùng đứng, Xanh trời Noel, Tình yêu Thiên Chúa, Ơn Giáng sinh, Hãy yêu nhau đi…
Trước khi khép lại đêm diễn, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc TTMV - Trưởng ban Tổ chức đã có lời chúc Giáng sinh và ngỏ lời cám ơn đến ĐHY, quý Đức cha và quý cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người đã cộng tác vào việc tổ chức để đêm diễn được thành công tốt đẹp, cám ơn cộng đoàn tham dự, chính họ là lý do để đêm diễn được tổ chức và làm nên nét đẹp của đêm diễn.

Đêm nhạc “Đêm Thánh - Đêm rực sáng yêu thương” khép lại lúc 21g00 với lời gợi nhắc của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn về lời cầu chúc Giáng sinh. Ngài nói: “Tôi muốn biến lời chúc thành lời cầu. Cầu xin Chúa cho mọi người được nhiều ơn lành như mình mong muốn. Đặc biệt được đầy ơn Chúa trong năm mới, để sống hạnh phúc mỗi ngày hơn và truyền hạnh phúc đó cho thế hệ tương lai”. Ngài nhắn nhủ thêm: “Tôi muốn mời gọi mọi người, mọi gia đình trong thành phố và đặc biệt hơn 100 ngàn gia đình Công giáo hãy tham gia lời cầu đó hằng đêm. Bởi vì, tôi nghĩ gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình cần luôn cầu với Chúa, mở lòng ra để đón nhận ơn lành của Chúa, gia đình đó sẽ lành mạnh, gia đình tốt. Thành phố này sẽ trở nên xã hội lành mạnh, xã hội đầy hạnh phúc như mọi người mong muốn.”

Đại gia đình Giáo phận đã quây quần bên Đức Hồng y, quý Đức cha và quý cha cùng hát vang bài thánh ca “Hang Bêlem” như một tâm tình hướng về máng cỏ, nơi đó có Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ và Thánh Giuse, để xin ba Đấng chúc lành cho năm “Phúc - Âm - hóa đời sống gia đình” của Giáo hội Việt Nam.

(WTGP.Sài Gòn 21.12.2013)


SaiGon-DemThanh-2.jpg

SaiGon-DemThanh-3.jpg

SaiGon-DemThanh-4.jpg

SaiGon-DemThanh-5.jpg

SaiGon-DemThanh-6.jpg

SaiGon-DemThanh-7.jpg

SaiGon-DemThanh-8.jpg

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân dịp lễ Giáng sinh 2013

12/25/2013 9:46:23 AMHôm qua thứ Hai 23-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh vị tiền nhiệm của ngài là Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI. Toà Thánh Vatican đưa ra thông cáo sau đây về cuộc gặp gỡ này:
HaiGiaoHoang_Xmas_1.jpg

Chiều nay, thứ Hai 23-12, khoảng 5gĐức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI để chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Đức Bênêđictô XVI đã đón Đức Phanxicô tại lối vào toà nhà (tu viện MaterEccclesiae trước đây). Sau khi cùng cầu nguyện trong nhà nguyện một lúc, hai vị đã gặp riêng khoảng nửa giờ trong một căn phòngSau đó, Đức Thánh Cha Phanxicôvới thư ký riêng của ngài đi cùng, đã chào thăm các thành viên khác trong “gia đình” của Đức nguyên giáo hoàng gồm có Đức Tổng giám mục Gänswein  các chị thuộc Tu hội giáo dân MemoresDominirồi ra về khoảng 5g45Hình ảnh truyền hình được Đài truyền hình Vatican cung cấp theo yêu cầu.

(Minh Đức, WHĐ 24.12.2013)


HaiGiaoHoang_Xmas_2.jpg

HaiGiaoHoang_Xmas_3.jpg

HaiGiaoHoang_Xmas_4.jpg

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Tấm thiệp giản dị chúc mừng Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

12/19/2013 11:57:56 AMTheo nhận định chung thì không có gì đơn giản hơn bằng tấm tấm thiệp đơn sơ để gửi đi chúc mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào dịp lễ Giáng Sinh 2013. Thật đơn sơ giống như phong cách con người thật của Ngài vậy.


Bên trong tấm thiệp in hình hang đá trắng đen của họa sĩ Giorgio Ghisi (1520-1582), phía bên trái là dấu hiệu Giáo Hoàng và ghi hàng chữ Latinh từ Phúc Âm Gioan: "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người" (Ga 1:9). Bên dưới là chữ ký Phanxicô. Và dòng cuối cùng ghi hàng chữ nhỏ Latinh: Giáng Sinh 2013.


Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

 

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

ĐGH Phanxicô: Chủ thuyết Macxit là một ý thức hệ sai lầm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

EMTY (Vatican Insider, 14-12-2013, Andrea Tornielli) – “Ý thức hệ Mácxít là điều sai lầm” - ĐGH Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo Ý La Stampa, số ra ngày 15-12.

Trong cuộc phỏng vấn dài 1 tiếng rưỡi do ký giả Andrea Tornielli thực hiện, Đức Giáo hoàng nói đến Giáng Sinh, nạn đói trên thế giới, sự đau khổ của trẻ em, việc cải tổ Giáo triều Rôma, hồng y phụ nữ, Viện Giáo vụ (IOR), viếng thăm Đất Thánh…

Hai lần trong cuộc phỏng vấn, nét bình thản mà mọi người thường thấy trên gương mặt của ĐGH Phanxicô mất dần đi khi nói về sự đau khổ vô tội của trẻ em và bi kịch đói nghèo trên thế giới.

Đức Giáo hoàng cũng về các mối quan hệ của Giáo hội Công giáo với các Giáo hội Kitô khác và về việc "đổ máu đại kết" làm liên kết các Giáo hội Kitô trong lúc bị bách hại. Ngài cũng đề cập đến các vấn đề về gia đình, sẽ được thảo luận tại Thượng Hội đồng kế tiếp, phản ứng lại các nhà phê bình Mỹ cáo buộc ngài là "một người Mácxit", cũng như thảo luận về mối quan hệ giữa Giáo hội và hoạt động chính trị.

Vatican đón mừng Noel 2013

“Giáng Sinh là gặp gỡ Chúa Giêsu, là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Đó cũng là một niềm an ủi, một mầu nhiệm về sự an ủi...”, ĐGH Phanxicô nói về Giáng Sinh đầu tiên của ngài trong cương vị là Giám mục Rôma. Ngài nói: “Giáng Sinh luôn làm chúng ta nghĩ về Bêlem, và Bêlem là một địa điểm đặc biệt trong Đất Thánh, nơi Chúa Giêsu đã sống. Vào đêm vọng Giáng Sinh, tôi nghĩ tới các Kitô hữu sống ở đó, tới những người đang gặp khó khăn, tới rất nhiều người đã phải rời quê hương vì những vấn đề khác nhau.”

Về vấn đề đau khổ của trẻ em, ĐTC Phanxicô nói: “Khi tôi gặp một trẻ em chịu đau khổ, lời cầu nguyện duy nhất đến trong tâm trí tôi là lời nguyện ‘tại sao’: ‘Tại sao vậy Chúa ơi?’ ‘Ngài không giải thích cho tôi bất cứ điều gì. Nhưng tôi cảm nhận được Ngài đang nhìn tôi. Vì vậy, tôi có thể nói: ‘Chúa biết tại sao. Chúa không nói cho con biết, nhưng Chúa đang nhìn con và con tin Ngài. Chúa ơi, con tin vào cái nhìn của Ngài.'




Đáp lại những lời chỉ trích ngài nhận được từ những người bảo thủ cực đoan ở Mỹ cáo buộc ngài là  “một người Mácxít” sau khi công bố Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Phúc Âm), Đức Thánh Cha nhận xét: “Ý thức hệ Mácxít là điều sai lầm. Nhưng trong đời mình, tôi đã gặp nhiều người mácxít tốt lành, vì vậy tôi không cảm thấy bị xúc phạm.”

Những lời gây ấn tượng mạnh nhất là những lời nói về nền kinh tế “giết hại”... Ngài nói: “Không có điều gì trong tông huấn mà không thể tìm thấy trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Tôi không nói theo quan điểm của một chuyên gia, tôi tìm cách trình bày như chụp hình những gì đang xảy ra. Trích dẫn đặc thù duy nhất là về những lý thuyết gọi là “được hưởng lợi ké”, theo đó mỗi sự phát triển kinh tế do thị trường tự do tạo điều kiện thuận lợi để nó diễn ra, thì nó chắc chắn sẽ thành công trong việc mang lại sự công bằng hơn và tính toàn diện về mặt xã hội trên thế giới. Đó là một lời hứa khi ly nước chưa đầy, nếu ly nước ấy đầy tràn thì người nghèo cũng được hưởng ké nước tràn ra từ chiếc ly ấy. Nhưng thực tế là khi chiếc ly tràn đầy nước, nó lại phình ra một cách kỳ lạ và thế là chẳng bao giờ người nghèo được hưởng thứ gì từ ly nước ấy. Đó là điều tham chiếu duy nhất về lý thuyết ấy. Tôi xin nhắc lại là tôi không nói như một chuyên gia, nhưng theo Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Và điều này không có nghĩa tôi là một người mácxít.”




Về việc hiệp nhất Kitô giáo, ĐTC Phanxicô cho biết ngài đặt vấn đề đại kết lên hàng ưu tiên. Ngài nói rằng ngày nay có một thứ gọi là “đổ máu đại kết”: Ở một số nước, các Kitô hữu bị giết hại vì mang thánh giá hoặc sở hữu Kinh Thánh, và trước khi bị sát hại, họ không được hỏi họ có phải là Anh giáo, Tin Lành, Công giáo hay Chính thống hay không. Dòng máu tử đạo hoà lẫn vào nhau. Đối với những người ra tay sát hại thì chúng ta đều là Kitô hữu. Ngài bày tỏ mong ước và sẵn sàng gặp Đức Thượng phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử tại Thánh Địa giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras của Constantinople. 




Về vấn đề những người ly dị tái hôn, Đức Phanxicô không bày tỏ lập trường, nhưng lưu ý rằng việc Giáo Hội không cho người ly dị tái hôn rước lễ “không phải là một hình phạt”. Ngài không nhắc đến vấn đề này trong tông huấn, nhưng cho biết nó sẽ được bàn đến trong Công nghị Hồng y vào tháng 2 tới đây, và sẽ được bàn đến trong Thượng HĐGM Thế giới khoá đặc biệt vào tháng 10 năm tới, cũng như trong Thượng HĐGM thường kỳ vào năm 2015. 

Về việc cải tổ Giáo triều, Đức Giáo hoàng cho biết vào tháng 2 năm tới, 8 hồng y "cố vấn" của ngài sẽ cung cấp "những gợi ý" cụ thể "đầu tiên" của các ngài. ĐGH Phanxicô thẳng thừng phủ nhận ý kiến cho rằng ngài có ý định đề cử phụ nữ hồng y. Ngài nói: “Tôi không biết ý tưởng này đến từ đâu. Phụ nữ trong Giáo Hội phải được đề cao giá trị chứ không phải được ‘giáo sĩ hoá’.” Ngài cũng bày tỏ hài lòng về tiến trình cải tổ Viện Giáo vụ, quen gọi là Ngân hàng Vatican.


Hùng Nguyễn

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin


11/26/2013 9:19:37 AMVATICĂNG: Hôm 25-11-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Nga ông Vladimir Putin. Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế trong đó có chiến tranh Siria.

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-2.jpg
AFP Photo/Claudio Peri


Đây là lần thứ tư tổng thống Vladimir Putin viếng thăm Tòa Thánh. Hai lần đầu vào năm 2000 và 2003 dưới thời Đức Gioan Phaolô II, lần thứ ba năm 2007 dưới thời Đức Biển Đức XVI.

Trong hội nghị thượng đỉnh của khối G20 tại San Pietroburgo đầu tháng 9 năm nay 2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho tổng thống Putin và giới lãnh đạo tham dự hội nghị một bức thư yêu cầu các cường quốc đừng ”bất động trước các thảm cảnh mà dân tộc Siria yêu dấu đã phải sống qúa lâu rồi, và có nguy cơ đem lại các khổ đau mới cho một vùng đất đã bị quá nhiều thử thách và cần có hòa bình”. Trong thư Đức Thánh Cha nhắc tới các nỗ lực và cam kết của các cường quốc thăng tiến kinh tế tài chánh và cuộc sống cho mọi dân tộc toàn thế giới. Nhưng các xung khắc vũ trang luôn là sự khước từ mọi thỏa thuận quốc tế, tạo ra các chia rẽ sâu xa và các vết thương rách nát đòi hỏi phải có nhiều năm mới lành được. Các cuộc chiến là sự khước từ cụ thể dấn thân đạt các mục tiêu kinh tế và xã hội, mà cộng đồng quốc tế đề ra, như các mục tiêu phát triển của Ngàn năm mới. Rất tiếc là các xung khắc vũ trang đang còn gây khổ đau trên thế giới cho chúng ta thấy mỗi ngày một hình ảnh thê thảm của bần cùng, đói khát, bệnh tật và chết chóc. Thật thế, không có hòa bình thì không có loại phát triển kinh tế nào cả. Bạo lực không bao giờ dẫn tới hòa bình là điều kiện cần thiết cho sự phát triển ấy.

Cuộc họp của các quốc trưởng và chính quyền của 20 nước kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 2 phần 3 dân số và 90% tổng sản lượng toàn cầu không có mục đích an ninh quốc tế. Tuy nhiên, không thể không suy tư về tình hình vùng Trung Đông và đặc biết tại Siria. Rất tiếc phải đau lòng mà nhận ra rằng có quá nhiều lợi lộc đã thắng thế, kể từ khi cuộc xung khắc bên Siria bắt đầu, ngăn cản tìm ra một giải pháp giúp tránh cuộc tàn sát vô ích mà chúng ta đang chứng kiến.

Tổng thống Putin cũng đã hội kiến với Đức Tổng Giám Mục Mục Pietro Parolin, Tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.11.2013/ SD 25-11-2013)


PopeFrancis-Putin-25Nov2013-12.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-13.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-8.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-9.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-10.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-7.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-1.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-14.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-3.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-6.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-4.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-5.jpg

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Ba giải pháp giúp người ly hôn được phép rước lễ trở lại


11/7/2013 9:00:45 PMCác giải pháp khả thi dành cho vấn đề rắc rối này
HonPhoi.jpg

Trong khi những tháng đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh cha Phanxicô nổi bật qua việc ngài chú ý đến người nghèo và thái độ “Tôi là ai mà phán xét” của ngài về vấn đề đồng tính, cam kết thảo luận luật cấm rước lễ đối với người Công giáo ly hôn và tái hôn có thể có ảnh hướng lớn nhất đối với người Công giáo, đặc biệt là tại Mỹ.

Chính sách hiện nay gây ra “sự ly khai thầm lặng”, theo một số người và các giám mục trên thế giới thừa nhận điều cấm này khiến vô số người Công giáo và gia đình họ bị gạt ra ngoài Giáo hội.

Vì thế liệu vấn đề nan giải này cuối cùng có được giải quyết không? Và bằng cách nào? Có ba giải pháp khả thi như sau:

Một: “Lựa chọn theo Chính thống”

Chính Đức Phanxicô đã viện dẫn cách làm trong các Giáo hội Chính thống Đông phương cho phép kết hôn lần hai, thậm chí lần ba vì nhiều lý do khác nhau – và do đó được phép rước lễ, trong khi vẫn xem cuộc hôn nhân đầu tiên có giá trị về mặt bí tích. Chấp nhận việc làm như thế cần có sự thay đổi trong việc hành đạo của người Công giáo nhưng có thể giúp tránh được chướng ngại vật mục vụ hiện nay.

“Sẽ có quan điểm đồng cảm nơi hầu hết giáo dân, giáo sĩ và giám mục về một việc như thế”, Đức Giám mục Kieran Conry của Arundel và Brighton phát biểu với tờ The Times of London.

Hai: Hãy để lương tâm hướng dẫn

Người Công giáo luôn nhờ đến cái được gọi là “tòa án lương tâm”, đó là xét theo lương tâm họ có được phép rước lễ hay không ngay cả khi họ đang trong tình trạng hôn nhân “ngăn trở”.

Điều này không có nghĩa là “tự do” và đòi hỏi “xét đoán lương tâm về mặt đạo đức cần có tư duy cá nhân nghiêm túc qua một thời gian”, như linh mục James A. Coriden, luật sư giáo luật tại Hội Thần học Washington, nói trong bài phân tích chi tiết trên tạp chí Commonweal năm ngoái.

Nhưng nếu Thượng Hội đồng giám mục Vatican vào tháng 10 năm sau nhấn mạnh đến lựa chọn “tòa án lương tâm”, các chuyên gia Giáo hội nói có thể còn lâu mới hướng tới giáo huấn người Công giáo để lương tâm có thể hoạt động như thế nào, và có thể giúp người Công giáo tái hôn tham gia đời sống Giáo hội mà không có cảm giác xem mình là công dân hạng hai.

Ba: Hợp thức hóa việc hủy bỏ bí tích hôn nhân

Hủy bỏ một cuộc hôn nhân trong tòa án Giáo hội có thể là quá trình quanh co gây bất lợi và rất khác nhau ở mỗi nước, dẫn đến những vấn đề về tính công bằng cơ bản. Trên thực tế, 2/3 trong số gần 55.000 vụ hủy bỏ bí tích hôn nhân được các tòa án Giáo hội trên thế giới cho phép mỗi năm nằm ở Mỹ, mặc dù người Công giáo Mỹ chỉ chiếm 6% số người Công giáo trên thế giới.
Như chính Đức Phanxicô nói quá trình hủy bỏ bí tích hôn phối cần được xem xét lại “vì các tòa án Giáo hội không có đủ thẩm quyền”.

Trong khi các giám mục nhóm họp vào mùa thu tới có thể chọn cách chấp nhận một hay nhiều hơn trong số ba giải pháp này, cũng có những xu hướng mạnh mẽ duy trì hiện trạng.

Chẳng hạn, các viên chức Rôma đã nhiều năm cố hạn chế việc hủy bỏ bí tích hôn phối, chứ không mở rộng, họ nói rằng các tòa án, đặc biệt là ở Mỹ, cho phép hủy bỏ quá dễ dàng.

Một dấu hiệu cảnh báo nữa đó là giữa lúc ngày càng có nhiều suy đoán đang có thay đổi, viên chức cấp cao về giáo lý của Vatican là Đức Tổng Giám mục Gerhard Mueller cho đăng bài báo dài trên tờ báo Vatican hôm 22-10 hoàn toàn nghi ngờ về triển vọng cải cách.


(UCAN 07.11.2013/ David GibsonReligion News Service)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

ĐGM Giáo phận Kontum Micae Hoàng Đức Oanh thăm giáo dân Chicago




Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, đã đến thăm giáo dân Chicago từ ngày 25 đến 27 tháng 10 năm 2013. Trong thời gian ở Chicago, ngài đã dâng Thánh lễ Chúa Nhật và chia sẻ Lời Chúa ngày 27 tháng 10 năm 2013 tại Cộng đoàn Công giáo Mân Côi Chicago. Ngài cũng dâng Thánh lễ tạ ơn gia đình cho giáo dân và hội thoại với một số linh mục về tu đức và mục vụ. Hội diện với một số linh mục và giáo dân chiều ngày 27-10, Đức cha Micae đã chia sẻ một vài suy tư của ngài.

1) Người Công giáo Việt Nam “giữ đạo” rất tốt so với giáo dân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng việc “truyền đạo” thì chưa được bao nhiêu.

2) Người Công giáo Việt Nam rất sốt sắng và quảng đại trong việc “xin lễ” các linh mục so với giáo dân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng việc xin các tu sĩ nam nữ “cầu nguyện” cho mình thì cần được thể hiện nhiều hơn. 

3) Cần xây dựng “đền thờ tâm hồn” vững chắc trước khi xây dựng “nhà thờ xứ đạo” to lớn và hoành tráng.

4) Giáo hội, giáo xứ và giáo sĩ Công giáo cần sống đơn giảnkhó nghèokhiêm hạ và yêu thươngnhư gương sống và lời giáo huấn của ĐGH Phanxicô.


Hình trên: Đức cha Micae dâng Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa tại Cộng đồng Công giáo Mân Côi Chicago ngày 27-10-2013.
Hình dưới: Đức cha Micae yêu thích được hoà mình với giáo dân để chia sẻ những suy tư thánh thiện về giáo hội và giáo xứ.

Theo Bách khoa Từ điển mở Wikipedia, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh sinh ngày 23 tháng 10 năm 1938 tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Ngài theo học Chủng viện Pio XII tại Hà Nội từ năm 1952 đến 1954. Sau Hiệp định Genève 1954, Đức cha di cư vào miền Nam và tiếp tục theo học tại Chủng viện Pio XII tại Chợ Lớn (Sài Gòn) từ năm 1954 đến 1960. Mãn tiểu chủng viện, vì là một chủng sinh ưu tú và xuất sắc nên ngài được tuyển chọn để theo học triết học và thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt từ năm 1960 đến 1969, tốt nghiệp với văn bằng Cử nhân Thần học.
 
Ngày 22 tháng 12 năm 1968, ngài được thụ phong linh mục và gia nhập vào Giáo phận Kontum. Ngoài việc là Linh mục Chánh xứ, ngài còn làm Hiệu trưởng Trường học, Giáo sư Tiểu Chủng viện. Từ năm 1996, ngài được tuyển chọn làm Tổng Đại diện của Giáo phận Kontum.
 
Ngày 16 tháng 7 năm 2003, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính toà Giáo phận Kontum. Nghi lễ tấn phong Giám mục được cử hành ngày 28 tháng 8 năm 2003 tại Nhà thờ Chính toà Kontum.
 
Được biết, Miền Truyền giáo Kontum được thành lập cách nay 165 năm (1848-2013), Hội Giáo Phu Kontum đã hoạt động cách nay 105 năm (1908-2013) và Giáo phận Kontum được thiết lập chính thức từ năm 1932. Hiện nay, Giáo phận Kontum có trên 85.000 giáo dân người Kinh và trên 170.000 giáo dân người Thượng dưới sự hướng dẫn tinh thần của 120 linh mục (dòng và triều) và gần 700 tu sĩ nam nữ, cùng với sự lãnh đạo thánh thiện, khiêm nhu và minh mẫn của ĐGM Giáo phận Micae.

Khi được hỏi về ưu tiên hoạt động của Giáo phận Kontum trong giai đoạn hiện tại, Đức cha Micae cho biết:
 
* Ưu tiên 1: Đời sống tinh thần (như nhân bản, tâm linh, tri thức, mục vụ).

* Ưu tiên 2: Đời sống thể chất (như tìm cách để tất cả giáo dân cột trụ của gia đình đều có công ăn việc làm ổn định).
* Ưu tiên 3: Xây dựng cơ sở (như nhà thờ, trường giáo lý, ký túc xá,...).

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Trung Hiếu đã đến tiễn biệt ĐGM Micae tại phi trường O"Hare Chicago sau Thánh lễ gia đình do Đức cha chủ sự lúc 6 giờ sáng ngày 28/10/2013. Trong dịp này, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đã kính lời cám ơn Đức cha đến thăm giáo dân Chicago và ước mong được đón tiếp ngài trở lại trong dịp lễ kính Đức Mẹ La Vang vào cuối tháng 7 năm 2014.

Đoàn Nhân Ái

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Thánh lễ bàn giao sứ vụ mục vụ tại giáo xứ Kon Mahar, GP. Kon Tum


24/10/2013

Trong năm kỷ niệm 165 năm truyền giáo tại vùng đất dân tộc Tây nguyên (1848 – 2013), ban mục vụ truyền thông giáo phận Kontum xin ghi nhanh “Thánh lễ bàn giao sứ vụ mục vụ tại giáo xứ Kon Mahar, giáo phận Kontum (Kon Mahar nằm địa bàn hành chánh xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gialai).
Trong những năm đầu tìm đường lên truyền giáo vùng dân tộc (1848 – 1867), đoàn truyền giáo từ Trạm Gò (vùng An Khê ngày nay) phải vượt qua làng Kon Mahar, mới tiến vào được làng Kon Kơxâm Trung Tâm Truyền giáo cho người dân tộc Bahnar Jơlơng  (nay thuộc xã Hà Tây, H. Chư Păh, tỉnh Gialai). Làng Kon Mahar trước kia nằm hướng bắc cách giáo xứ Kon Mahar hiện giờ trên dưới 10 cây số.
Nhân dịp nầy, chúng tôi xin phép đăng lên mạng giáo phận bản đồ hành chánh Huyện Đak Đoa có ghi địa danh Kon Mahar hiện thời và nếu được sẽ ghi lại con đường xuyên sơn của đoàn truyền giáo trước kia để quí vị thấy được phần nào lộ trình của các vị thừa sai tìm đường lên Bắc Tây Nguyên. Kon Mahar đã trưởng thành và trở thành giáo hạt từ những thập niên  30 -70 thế kỷ XX (dựa vào bản đồ của linh mục thừa sai Léger).
I – Trước nhất xin ghi nhanh lễ bàn giao sứ vụ mục vụ
II –  Một số hình ảnh.
III – Bản đồ ghi các địa điểm phụng tự trong huyện Đak Đoa. 
IV- Giáo hạt Kon Mahar vào thập niên 30 – 70 thế kỷ  XX
.
GPKONTUM (24.10.2013) KONTUM
.
XIN KÍNH MỜI
Lễ bàn giao sứ vụ mục vụ tại giáo xứ Kon Mahar
.
I –   Xin ghi nhanh lễ bàn giao sứ vụ mục vụ.
.
CÁNH CỬA ĐỨC TIN ĐÃ RỘNG MỞ TẠI GIÁO XỨ KON MAHAR
ĐÓN MỪNG VỊ MỤC TỬ MỚI
21-10-2013


Kon Mahar và những rộn ràng …
 050
            Sau cả một mùa mưa kéo dài gần 7 tháng trời, và nhất là sau hơn một tuần chịu ảnh hưởng của những cơn bão lớn tại Miền Trung, hôm nay trời Kon Mahar như tươi sáng hẳn lên để cùng với hơn bốn ngàn giáo dân trong các làng lân cận mừng đón vị mục tử mới, Cha Giuse Nguyễn Duy Tài về thi hành chức vụ Thừa Tác và chia sẻ cuộc sống với Anh Chị Em Dân Làng.
           Đây là một ngày Lịch Sử mà dân làng phải ghi khắc, vì vào chính thời mạnh của những ngày cuối Năm Đức Tin, và đặc biệt vào đúng dịp kỷ niệm 165 năm Truyền Giáo tại Giáo Phận Kon Tum , thì Kon Mahar lại được đặc ân có cha sở mới cho riêng  mình!
 Vì Đức Cha đi vắng xa, nên cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông là người chủ sự các nghi thức và Thánh Lễ nhậm chức của Cha Giuse.
Hôm nay Kon Mahar cũng rất vui mừng đón quý cha từ cả hai Miền Gia Lai và Kon Tum về bày tỏ tình anh em Linh Mục với Vị Mục Tử mới trên vùng đất núi rừng linh thiêng và sâu lắng này.
Các tu sĩ và giáo dân tại các nơi Cha Giuse đã phục vụ cũng vừa bịn rịn vừa tận tình tháp tùng Cha đến địa sở mới.
Ngôi Nhà Thờ Gỗ rộng xinh đã đầy chật người.
021
           Cha Tổng Đại Diện, Cha Phó Nhà Thờ Kon Mah – Phêrô Trần Quốc Hải, người đã chịu trách nhiệm dẫn dắt và gắn bó với anh chị em giáo dân Kon Mahar từ hơn 4 năm nay cũng đã có mặt và cũng đã sẵn sàng để bước vào nghi thức bàn giao nhiệm vụ cho Cha Sở mới, thế nhưng Cha Tổng vẫn chần chờ, đi ra đi vào ngóng đợi… Thì ra Ngài còn cố gắng chờ Quý Cha chưa tới được vì đã bị sa vào những đoạn đường lầy lội, nứt nẻ dài cứ cả hằng cây số..! 
           Cha Tổng chờ cũng đúng, vì trong đoàn này toàn là những vị có những mối liên hệ rất đặc biệt với con cái Kon Mahar : Cha Hạt Trưởng Đăkmót Antôn, nguyên chính xứ Kon Mah, người đã từng lách núi, bạt rừng để có khi hằng ngày, có khi vài ngày, thay nhau cùng với cha phó Phêrô đến cử hành Thánh Lễ và ban các Bí Tích cho các con cái “ Miền Sâu” của mình. Hôm nay, lẽ ra ngài cũng đến rất sớm với chiếc xe Uoát chạy phăng phăng, không cần biết đến sình lầy, cây cối; nhưng vì là thổ địa tại vùng rừng núi này trong nhiều năm nên Cha biết rõ đường đi nước bước phải như thế nào trong mùa mưa, mặc dù trên xe đã có đầy đủ dụng cụ cứu hộ, thế nhưng đi qua ngã ba Trà Huỳnh,ngài đã cẩn thận mua thêm một chiếc xà beng to để phòng hờ.
      Đến ngã ba Đăk Sơmei Cha dừng lại để chờ xe của Cha Simon từ Plei Kơbei xuống và đang đón Cha Giêrônimô là Cha Xứ đương nhiệm tại Kon Mah, và như thế, Ngài cũng là Cha Xứ của Kon Mahar. Trong xe cũng còn Cha Phaolô, quản nhiệm Nhà Thờ Plei Tơwer , là hàng xóm láng giềng với cả Kon Mah và Kon Mahar.

Tiến vào “vết đường xuyên sơn của các Vị Thừa Sai ”…

           Khi đã gặp nhau, anh em vui vẻ xe trước xe sau tiến vào “vết đường xuyên sơn của các vị Thừa Sai ngày xưa” đã vừa đi vừa khai phá để vào thám thính vùng Kon Kơxâm.
           Cả 165 năm rồi, nhưng những vết đường mà Cha Dourisboure tả về cuộc thám thính miền Đất Hứa của Ngài như : “ tất cả gai góc, dây leo, cỏ rậm có trên mặt đất dường như hội tụ cả nơi đây. Chẳng có dấu vết đường mòn nào và sườn núi thì lại thẳng vách như bức tường…” thì cho đến hôm nay tuy đã có một con đường nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, trắc trở , nhất là vào những mùa mưa bão, gió rừng..!
Phải chăng đây là hình bóng những khó khăn trong công cuộc Truyền Giáo của mọi thời?
003
004
           Từ ngã ba Đăk Sơmei vào được khoảng chừng vài cây số thì những đoạn đường sình lầy đã hiện ra. Vì lúc sớm đã có nhiều xe chạy qua, nên những lớp bùn đã trở nên nhầy nhụa và tạo nên những hố lầy sâu hơn. Chiếc xe một cầu của Cha Simon lâu nay vẫn được coi như là xe chiến giữa núi  rừng  giờ đây đã thúc thủ, đất bùn đã ngập lút bánh xe, thêm những tảng đất dẻo bám chặt nên không còn cách nào tự lăn…Thế là anh Hhng đường trường  An Tôn phải nhảy xuống  khỏi chiếc Uoắt để ra tay cứu hộ. Đầu tiên thì chỉ cần lấy sợi dây xích khổng lồ để nối hai xe lại với nhau mà kéo đi thôi; nhưng chỉ được một lát thì Cha thấy sao mà nặng thế, quay lại nhìn thì ôi thôi, chiếc xe đã lệch bánh sa xuống một vũng bùn sâu gần một thước bên lề đường; thế là mọi vật dụng được lôi ra… nào là chiếc kít để nâng xe, nào là xà beng để bẩy xe, nào là những khúc gỗ để lót đường cho bánh xe khỏi lún! Ôi thôi đủ cả, thế nhưng chiếc xe cứ ỳ ra… May quá vào lúc này lại có các bạn trẻ của làng Kon Mah vào giúp Kon Mahar để lo cho ngày Lễ vừa đến, thế là nhất tề, tất cả cùng xúm vào vừa nâng, vừa kéo vừa đẩy… hì hục mãi tới hơn nửa tiếng đồng hồ mới kéo được chiếc xe ra khỏi vũng bùn. Rồi lại xích, lại kéo… nhưng cũng chỉ được một đoạn là chiếc xe lại bị những tảng đá, những khối bùn khác cản lối! Đến được ngã ba Plei Bông thì vì đã cố gắng quá nên xe bị nóng máy không chạy được nữa; thôi thì Bác Tài ở lại đây nghỉ ngơi cùng với xe. Chỉ cách nhau có mấy chục cây số, nhưng mạng di động lúc thì chập chờn, lúc thì im bặt nên mãi mới thông tin được cho nhau; khi biết được sự thể, Cha Tổng đã nhờ một số thanh niên chạy xe ra giúp đỡ và đón mọi người vào.


Thánh Lễ Nhậm Chức Chủ Chăn…

          Đã 10 giờ 45 phút, không thể chờ được nên Cha Tổng và quý Cha đến trước bắt đầu Thánh Lễ. Khi Đoàn đến nơi thì mọi nghi thức đã xong, và Thánh Lễ cũng đã đến phần Phụng Vụ Lời Chúa.
           Từ trên Bàn Thờ, Cha Tổng nhìn ra và thấy các Cha vừa đến với quần ống thấp ống cao và những đôi chân được tô đậm bởi những lớp bùn … Ngài đã  nhờ một Cha ra mời ,và đề nghị Cộng Đoàn phụng vụ tạm ngưng để chờ quý cha mặcLễ phục và vào nhà thờ hiệp dâng Thánh Lễ.
022
         Mở đầu bài chia sẻ, Cha Tổng kêu mời giáo dân Kon Mahar hãy cùng với Đức Mẹ dâng lời cảm tạ Chúa vì “Ơn Giữ Vững Niềm Tin” mà Chúa đã ban cho Dân Làng . Cha khen ngợi giáo dân Kon Mahar tuy ở tận vùng sâu, nhưng với ơn Chúa ban và sự hợp lực đoàn kết với nhau nên đã dựng được những  ngôi Nhà Nguyện bằng gỗ thật khang trang cho mỗi làng. Cha cũng bày tỏ lòng cảm phục khi thấy nếp sống đạo ở đây rất sầm uất, mặc dù giáo dân ít có cơ hội tiếp xúc với phố phường.
029
           Cha Tổng đã ân cần giới thiệu Cha Tân Quản Xứ với mọi người và dặn dò mọi người phải biết trân trọng hồng ân có Cha Sở riêng mà Giáo Phận đã ưu ái dành cho 5 Làng tại vùng Kon Mahar này. Ngài khuyên mọi giáo dân hãy tích cực cộng tác với Cha Xứ để làm sáng danh Chúa bằng một đời sống bác ái, yêu thương  để cùng nhau xây dựng giáo xứ, giữ gìn làng xóm, và chăm sóc núi rừng của mình!
042
            Đến cuối Lễ, Cha Tổng Đại Diện đã xin Cha Tân Quản Xứ ngỏ lời với con cái và mọi người. Trong niềm xúc động và trong sự còn rất mới mẻ, nên Cha Giuse chỉ nói ngắn gọn ít lời vừa bằng tiếng phổ thông vừa bằng tiếng Bahnar. Cha cám ơn Cha Tổng Đại Diện và quý Cha cùng tất cả mọi người vì yêu thương đã đến tham dự Thánh lễ Nhậm Xứ với Ngài. Ngài xin mọi người tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ  Ngài trên con đường và sứ mạng mà Ngài đang bắt đầu khởi sự. Ngài cũng kêu gọi giáo dân Kon Mahar hãy tích cực cộng tác với Ngài để xây dựng Giáo Xứ ngày một tươi đẹp và tăng trưởng như lòng Chúa mong ước.
        023
          Cha cũng đề nghị anh chị em Giáo Dân hướng về Cha Antôn để chào Ngài. Mặc dù còn ở trong nhà thờ,nhưng khi nghe nhắc đến “Cha Cũ quý yêu”của mình,mọi người đều ồ lên bày tỏ niềm vui sướng. Phần Cha Antôn thì như cá gặp nước khi được về thăm lại “Chiến Trường Xưa”!
046
           Cha Tổng Đại Diện cũng mời Cha Simon – Kơbei  là vị niên trưởng trong số các Linh Mục đang hiện diện trong Nhà thờ Kon Mahar hôm nay ngỏ lời với  giáo dân. Trong tâm tình của Người Chăm Sóc Đức Tin, Cha đã ân cần dặn dò anh chị em giáo dân Kon Mahar hãy kiên vững trong Niềm Tin của mình, đừng nghe theo những lời rủ rê mà xa lìa Giáo Xứ, Giáo Hội… Cha cũng nhắc cho mọi người ý thức rằng khi đã chứng kiến việc Cha Tân Quản Xứ Tuyên Xưng Đức Tin trước mặt Cộng Đoàn Dân Chúa như thế nào,thì cũng hãy  noi gương và thể hiện Niềm Tin của mình qua việc giữ đạo tử tế, siêng năng đi lễ, đọc kinh và đón nhận các Bí Tích… Cha cũng kêu gọi những ai đã lìa  bỏ Chúa, xa rời Giáo Xứ thì hãy can đảm trở về. Cuối cùng Cha khuyên mọi người hãy hết sức cộng tác với Cha Sở và anh chị em để xây dựng Giáo Xứ.
          Cuối cùng, Chú Giáo Phu Trưởng đã thay mặt Cộng Đoàn Dân Chúa Kon Mahar dâng lời cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Xứ có Cha Sở mới. Chú cũng cảm ơn Cha Tổng Đại Diện đã đưa Cha Giuse đến đây. Cám ơn quý Cha, quý Thầy, quý  Soeurs cùng tất cả mọi người đã  đến chung vui và cầu nguyện cho Giáo Xứ trong ngày đáng ghi nhớ này. Chú cũng bày tỏ niềm phấn khởi, vui mừng của toàn Giáo Xứ, và thay mặt mọi người, Chú dâng lời đoan hứa sẽ hết sức cộng tác với Cha Xứ và vâng lời Ngài.
         Sau phần Lễ là tới phần Lạc. Vì là Giáo xứ ở mãi vùng cao và sâu, không thể nào có điều kiện tổ chức như những Giáo Xứ Miền Xuôi, nên Cha Tổng Đại Diện đã chu đáo mua bánh mì và mì ăn liền để mọi Giáo dân được liên hoan
         Tuy kém về vật chất, nhưng tinh thần của giáo dân Kon Mahar, đặc biệt giới trẻ lại rất là phong phú. Vừa ra khỏi Nhà Thờ là “Dàn Nhạc Nhà” đã vang lên; rồi không đợi khán giả có chú ý hay không, các diễn viên cứ tuần tự  bước ra trước Tiền Đường Nhà Thờ để trình diễn một cách nhiệt tình và hồn nhiên các tiết mục Hát Múa đã  được chuẩn bị sẵn!
        Từ sự kiện lớn lao là được có Cha Sở mới về sống với Dân Làng, và vì đâu mà trong miền sâu thẳm của núi rừng này lại có đến những 5 làng được ơn biết Chúa từ rất nhiều năm tháng , và tuyệt vời hơn nữa là tự Giáo Dân đã đi tìm gỗ dựng Nhà Thờ để có nơi thờ phượng Chúa; thiết tưởng chúng ta cũng nên có một cái nhìn ra xa một chút để xem Kon Mahar có chỗ đứng nào đối với  Trung Tâm Truyền Giáo Kon Kơxâm.
       Theo Cha Dourisboure ÂN trong tập Hồi Ký nguyên tác: “Les Sauvages Bahnars”, Paris 1929; và dựa theo mối liên hệ rất chặt chẽ và thân tình của Dân Làng Kon Mah và Kon Mahar – mặc dù có những ngọn núi ngăn cách,  và tuy tài liệu không nói rõ các chi tiết về các làng phụ cận của “Cơ Sở Truyền Giáo Đức Mẹ Giải Cứu”, thì chắc chắn vùng này cũng thuộc Trung Tâm Truyền Giáo Kon Kơxâm (cách Kon Mah khoảng 4km). Ngày xưa chưa có những con đường, thì chỉ có con đường rừng từ Kon Mahar đến Kon Mah là gần nhất!
      Phải chăng hôm nay Kon Mahar được Chúa ân thưởng và tôn vinh trong dịp Giáo Phận Mừng  Kỷ Niệm 165 năm Truyền Giáo?
Và phải chăng Cánh Cửa Đức Tin đang rộng mở cho những kẻ thiện tâm, ngày đêm không ngừng kêu cầu Danh Chúa!
           Mọi sự đã gần chấm dứt, và mọi người lại xúm quanh để chào tạm biệt Cha Giuse…
Các xe  lục tục trở ra. Vì kinh nghiệm của buổi sáng, nên Cha Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum,Cha Tôma đã rất nhanh nhẹn cùng với một số anh chị em giáo dân chạy trước với cuốc và xẻng…
Thoạt đầu không ai hiểu gì; sau cứ chạy một lúc là các xe lại phải dừng lại… mọi người mới nhận ra là Ngài đi trước để san bằng những hố lồi lõm trên cả con đường dài. Chính Ngài với chiếc xẻng (chiếc bên) trên tay, nhảy từ đoạn đường này sang đoạn đường kia để nối liền và san bằng… Cũng may là từ sáng đến giờ Chúa cho trời đẹp nên mọi nơi đã hầu như tạm khô ráo nên mọi xe đã trở ra được bình yên.

054
Xin cảm ơn những tấm gương dấn thân của các vị Mục Tử.
Xin chúc mừng Giáo Xứ Kon Mahar; 
Và cùng với Kon Mahar, tất cả chúng ta  cùng tạ ơn Chúa!

II – Một số hình ảnh
                  Xin click vào
                        ▼  
 

III –  Các địa điểm phụng tự  và thống kê năm 2011 nằm trong huyện Đak Đoa.
HUYEN DAK DOA
V- Giáo hạt Kon Mahar vào những thập niên 30 – 70 thế kỷ  XX
scan 9
                                                             Ban Truyền Thông Giáo Phận Kon Tum.
                                                                    Ghi nhanh, 21-10-2013