Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

TIN GP. KON TUM: Phục sinh này giáo điểm Cheoreo không có linh mục


VRNs (11.04.2014) – Gia Lai – Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã có văn thư chính thức đề nghị Tòa giám mục Kontum thuyên chuyển cha Vũ Văn Bằng ra khỏi thị xã Ayun Pa, nơi Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh bổ nhiệm ngài đến làm linh mục phụ tá nhà thờ Bon Ama Djơng từ tháng 01 năm 2014.
Nhà thờ Bon Ama Djơng còn có tên là Trung tâm truyền giáo Cheoreo – Tơlúi, thuộc phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa hay gọi tắt là giáo điểm Cheoreo. Giáo điểm Cheoreo được Đức cha Paul Seitz sai cha Jacques Dournes đến lập ngày 01.08.1955. Địa bàn trước đây tính theo quốc lộ 25 thì từ chân đèo Chư Sê đến giáp tỉnh Phú Yên, lấy con sông Kơlúi làm ranh giới, có hơn 20 ngàn giáo dân thuộc sắc tộc Jarai. Từ năm 2012, các giáo họ thuộc huyện Krông Pa (từ đèo Tona đến sống Kơlúi) đã được tách ra thành giáo xứ độc lập, nên hiện nay địa sở Cheoreo chỉ còn bao gồm người Jarai ở thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa, với hơn 13 ngàn giáo dân.
Anh chị em Dự Tòng jarai đang trong những ngày cầu nguyện chuẩn bị đón nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo - Làng Pei Athai, thuộc địa sở Cheoreo.
Năm nay địa sở Cheoreo sẽ cử hành các Bí tích nhập đạo cho khoảng 450 người. Riêng tại Bon Ama Djơng là 200.
Cha Phêrô Đinh Quốc Thái Bình, cha chính xứ của địa sở rộng 3 huyện, chuyên lo cho người Jarai lo lắng: “Nhà nước không cho cha Bằng làm lễ, Tam nhật Thánh này không biết tính sao? Vì tối thiểu đêm Vọng Phục Sinh phải cử hành ở hai nơi, và mỗi nơi Rửa tội cho trên dưới 200 người lớn. Tôi phải đi nơi xa hơn là Plei Athai”.
Huyện Ayun Pa, Tỉnh Gia Lai

Áp lực buộc cha Bằng rời khỏi Cheoreo ngày càng nhiều.
Quá bức xúc về chuyện này, chúng tôi đã đi tìm hiểu.
Cha Vinh Sơn Vũ Văn Bằng, 41 tuổi, chịu chức linh mục ngày 28.06.2012 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Cha Bằng được Cha Giám tỉnh bổ nhiệm về sống và làm thành viên cộng đoàn DCCT Tây Nguyên. Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum bổ nhiệm cha Bằng về nhà thờ Bon Ama Djơng làm phụ tá linh mục chính xứ.
Hôm Noel 2013 vừa qua, khi cha Bằng đến dâng lễ Giáng Sinh cho anh chị em Jarai tại làng Plei Athai thì đã bị nhà cầm quyền đến ngăn cấm, không cho cử hành thánh lễ cho khoảng 2000 giáo dân đã đợi chờ sẵn sàng.
Ngày 21.01.2014, Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã gởi văn thứ số 77/UBND-VX đến Tòa giám mục Kontum đề nghị thuyên chuyển tu sĩ Vũ Văn Bằng ra khỏi địa bàn thị xã Ayun Pa.
Tiếp đón ĐGM. GP. Kon Tum tại TTTG. Plei Chuet
Lý do Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa yêu cầu Tòa giám mục Kontum đưa cha Bằng ra khỏi địa bàn thị xã Ayun Pa là căn cứ theo “Công văn số 38/BTG-CV-M, ngày 17.10.2013 của Ban tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh về việc xác minh hoạt động tôn giáo của linh mục: Dòng Chúa cứu thế Việt Nam đã gởi hồ sơ đăng ký phong chức linh mục cho 7 tu sĩ của Dòng, trong đó có tu sĩ Vũ Văn Bằng. Tuy nhiên, do hồ sơ đăng ký có nhiều sai sót cho nên Ban tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn hướng dẫn Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam điều chỉnh một số giấy tờ cho 7 tu sĩ, nhưng đến nay, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký phong chức linh mục. Vì vậy, tu sĩ Vũ Văn Bằng không được công nhận là linh mục. Mặt khác, về mặt Giáo hội, Tòa Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh cũng không công nhận tu sĩ Vũ Văn Bằng là linh mục trong Tổng Giáo Phận thành phố Hồ Chí Minh”.
Về mặt giấy tờ đăng ký, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng DCCT VN cho biết đã làm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Những đòi hỏi của Ban tôn giáo là sự tùy tiện áp đặt, không đúng quy định pháp luật.
Nghiên cứu văn thư của Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã gởi số 77/UBND-VX đến Tòa Giám Mục Kontum, chúng tôi nhận thấy văn thư này căn cứ trên một văn bản sai pháp luật và thông tin không rõ ràng.
Ban tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh có quyền và bổn phận công nhận tu sĩ Vũ Văn Bằng là linh mục hay không?
- Ngày 20.03.2014, Đức cha Tổng thư ký Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh (Tổng thư ký) đã làm việc với ông Nguyễn Khắc Huy, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Ban tôn giáo Chính phủ (Vụ trưởng). Sau buổi làm việc đó, Đức Cha Tổng Thư Ký đã phổ biến văn thư minh định các thủ tục hành chính xã hội về việc chủng sinh nhập học Đại chủng viện và truyền chức linh mục, ngày 27.03.2014. Về việc truyền chức linh mục, văn thư cho biết:
Ông Vụ trưởng nhấn mạnh: “Các quy định và việc quản lí tôn giáo tại các địa phương phải phù hợp với quy định của pháp luật”.
Căn cứ điều 22 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, ban hành ngày 18.06.2004 thì “Việc truyền chức linh mục hoàn toàn thuộc quyền tự do của các Giám Mục, miễn là đúng Giáo Luật. Các Tòa giám mục hay Dòng tu chỉ cần gởi bản đăng ký tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đã được truyền chức linh mục cư trú để được chính thức hoạt động tôn giáo theo luật định”.
Không có điều luật nào trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo trao quyền và trách nhiệm cho Ban tôn giáo công nhận một công dân có phải là linh mục hay không. Trong bài phát biểu đầu năm 2014, Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ đã khẳng định công dân được làm những gì luật pháp không cấm, và công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Pháp luật quy định các Tòa giám mục hay Dòng tu chỉ cần gởi bản đăng ký chính thức hoạt động tôn giáo, chứ không hề quy định gởi đăng ký phong chức linh mục.
Như vậy, Ban tôn giáo Tp.HCM đã làm một điều không hề được pháp luật cho phép, tức là hành vi sai, có dấu hiệu lạm quyền và vi phạm pháp luật.
Và như thế Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã gởi văn thư số 77/UBND-VX đến Tòa Giám Mục Kontum đề nghị thuyên chuyển tu sĩ Vũ Văn Bằng ra khỏi địa bàn thị xã Ayun Pa dựa trên Công văn số 38/BTG-CV-M, ngày 17.10.2013 của Ban tôn giáo Tp.HCM là không có căn cứ pháp luật.
Cảnh cầu nhỏ bắc qua suối tại AYun Pa
Tổng Giáo Phận Sài Gòn có công nhận tu sĩ Vũ Văn Bằng là linh mục không?
Phải khẳng định ngay Tòa Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã công nhận tu sĩ Vinh Sơn Vũ Văn Bằng và 6 tu sĩ cùng phong chức chung đợt là linh mục qua văn thư Trao năng quyền giải tội cho các linh mục này, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn ấn ký. Thông tin này được văn phòng Tỉnh DCCT VN xác nhận.
Tuy nhiên phải nói thêm cho rõ, cha Vinh Sơn Vũ Văn Bằng có tịch giáo sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, một Hội dòng theo công pháp Giáo hoàng, không thuộc các giáo phận quản lý. Với văn thư bổ nhiệm của Đức giám mục giáo phận Kontum, cha Bằng thuộc linh mục đoàn (với quyền mục vụ) giáo phận Kontum, nhưng tịch giáo sĩ vẫn do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý.
Do đó với cách viết thiếu minh bạch: “về mặt Giáo hội, Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM cũng không công nhận tu sĩ Vũ Văn Bằng là linh mục trong Tổng giáo TP.HCM” là cách viết với hàm ý xấu, và không đúng tinh thần tôn trọng sự thật. Vì cha Bằng không hoạt động tôn giáo tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn, nên không là thành viên của Tổng Giáo Phận là bình thường.
Ở đây, cha Bằng hoạt động tôn giáo tại giáo phận Kontum, là linh mục trong giáo phận Kontum, nên Đức giám mục giáo phận đã chính thức đăng ký hoạt động cho cha Bằng.
Như vậy thì Thị xã Ayun Pa không tin vào người có thẩm quyền công nhận linh mục là Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum, mà đã tin theo một cơ quan không được giao quyền công nhận chức danh linh mục là ban tôn giáo TP. HCM. Nếu đây là sự vô tình do không hiểu biết thì thị xã Ayun Pa cần phải sửa ngay, nhưng nếu biết mà vẫn cố tình thì là bằng chứng thị xã Ayun Pa vi phạm pháp luật về Tín ngưỡng, tôn giáo.

Chỉ còn hai ngày nữa là bước vào Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất của năm trong đời sống đức tin Công giáo. Liệu các anh chị em Jarai, vốn đã bị chèn ép đủ kiểu, có cách nào được chăm sóc mục vụ đặc biệt trong ngày Chúa Phục Sinh sắp tới?
PV. VRNs
http://chuacuuthenews.wordpress.com/2014/04/11/phuc-sinh-nay-giao-diem-cheoreo-khong-co-linh-muc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét