Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Lễ Dầu ở nhà thờ Đăk Mốt, Giáo Phận Kontum, Thứ Tư Thánh 16-04-2014


VRNs (17.04.2014) – Kontum- “Chúng ta trên cương vị mục tử chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa thì nên học hỏi theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu với lòng khiêm nhường bao dung “Các con hãy học nơi Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” Mt 11. 29” – Đức giám mục giáo phận Kontum đã khởi đầu như vậy khi bước vào thánh lễ Truyền Dầu.
1404160006
Thánh lễ Truyền dầu của Giáo phận Kontum đã diễn ra lúc 5 giờ 30 sáng nay ngày 16.04.2014 tại Giáo xứ Đak Mót. Chủ tế thánh lễ là Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận, trong đoàn đồng tế có Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, và hơn 130 Linh mục đang làm mục vụ trong Giáo phận cùng hơn 100 nữ tu, chủng sinh và hơn 3000 giáo dân tham dự thánh lễ.
Trong bài giảng Đức Cha Micae trong tâm tình Cha con trong một nhà, Ngài nhắn nhủ với giáo dân: “Tôi xin anh chi em hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi là những người chăm lo mục vụ trong giáo phận, xin cho được chu toàn bổn phận dẫn dắt đoàn chiên Chúa”
Với các linh mục trong giáo phận, Ngài nhắc nhở: “Biết bao nhiêu thảm cảnh đau thương, biết bao nhiêu tai ương do con người gây ra, biết bao nhiêu cuộc chiến giữa phe phái này phe phái nọ xảy ra đều xuất phát từ tính kiêu căng, ngạo mạn, tự đắc, nên chúng ta trên cương vị mục tử chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa thì nên học hỏi theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu với lòng khiêm nhường bao dung – Các con hãy học nơi Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” Mt 11. 29”.
Trong thánh lễ Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trên cương vị Giám Mục giáo phận đã cử hành nghi thức làm phép dầu Thánh.
Cuối thánh lễ Đức Cha chúc lành và ban ơn toàn xá cho Cộng đoàn tham dự Thánh Lễ.
1404160008
Dầu Thánh dùng trong Giáo Hội Công Giáo được chia ra làm 3 loại sau đây :
Dầu Dự Tòng (OS):
Đây là dầu được xức cho Dự Tòng để xin Thiên Chúa là sức mạnh và là Đấng luôn che chở qua việc xức dầu này xin Chúa  đoái thương ban sức mạnh cho những người dự tòng khi đã xức dầu này, ban cho họ lãnh nhận sự khôn ngoan và sức mạnh của Chúa mà thông hiểu sâu xa Phúc âm của Đức Kitô, quảng đại chấp nhận những khổ cực trong đời sống Kitô hữu, và xứng đáng trở nên dưỡng tử của Chúa từ đó họ được vui mừng tái sinh và sống trong Hội Thánh Chúa.
Dầu Bệnh Nhân (OI):
Đây là dầu được xức cho bệnh nhân để xin Thiên Chúa là mọi nguồn an ủi, nâng đỡ chữa lành bệnh tật người đau yếu đang mang. Xin Chúa Thánh Thần đấng ban phát ân sủng  từ trời xuống, hầu bổ dưỡng thân xác để nhờ ơn phúc lành của Chúa và khi ai được xức dầu này đều lãnh nhận ơn hộ vực thân xác, tâm hồn từ đó được khỏi mọi đau đớn, bệnh hoạn tật nguyền.
Dầu Thánh (SC):
Đây là dầu xức cho các tân tòng trong Bí tích Rửa tội, xức cho các kitô-hữu trong Bí tích Thêm sức, xức cho các Linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong Bí Tích Truyền Chức Thánh. Dầu này còn được dùng để Cung hiến Bàn thờ và Nhà thờ. Để xin Thiên Chúa Quyền năng thông ban cho người lãnh nhận dầu này được đón nhận Chúa Thánh Thần và đón nhận ân lực vô biên của Người. Xin cho người được xức dầu lãnh nhận ơn cứu độ, ơn tái sinh bởi nước và Thánh Thần, làm cho họ được tham dự vào đời sống vĩnh cửu và đồng hưởng vinh quang trên trời.
Với Giáo phận Kontum Đức Cha Micae mong muốn mọi tín hữu dù Kinh hay Dân tộc đều cùng tham phần vào Thánh lễ truyền dầu nên Ngài đã quyết định Thánh lễ sẽ tuần tự được tổ chức tại các Giáo điểm trong Giáo phận khởi đầu từ năm 2013 là Giáo điểm An Khê và năm nay là Giáo điểm Đak Mot.
1404160007
Theo tư liệu của Giáo phận Kontum nói về Địa sở Đak Mot.
Với địa bàn gồm 2  huyện cực bắc của Tỉnh Kontum: Ngọc Hồi và Dak Glei trong phạm vi trên dưới 100km, địa sở Dak Mot gồm 3 xứ Dak Mot, Dak Jâk và Dak Tuk. Giáo xứ Dak Mot, trung tâm của địa sở, thuộc thôn 5  thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi, nằm cách thành phố Kontum khoảng 67km về phía Bắc, ở ngay trung tâm ngã ba Đông Dương, cách đều biên giới Lào và Campuchia khoảng 20km. Có thể nói đây là một giáo điểm hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển truyền giáo vươn ra hai nước Lào và Campuchia của giáo phận Kontum.
Sự phát triển của Dak Mot phải nói là một mầu nhiệm. Năm 1905 một đoàn người đại diện người dân tộc Sêđang gặp cha Bonnal tại Kon Hơring. Ngài rất đỗi ngạc nhiên khi nghe nói họ đến từ làng Đak Kơna để xin ngài một đặc ân được nhận vào đàn chiên Giáo Hội mà trước đó Ngài không hề biết đến họ là ai.
Tháng 10 năm 1905 Linh mục quản nhiệm Vialleton và là cha Bề trên địa phận quyết định những làng mới vừa trở lại đạo từ nay thành một địa sở riêng, một địa sở tương lai với Đak Kơna làm trung tâm và cắt cử chính linh mục Bonnal lo tổ chức mục vụ, điều hành địa sở mới.
Ngày 13.07.1923 vị thừa sai trẻ tuổi 31 tuổi linh mục Phaolô Crétin đến Kontum. Ngày 24.04.1924 sau vài tháng học tiếng Bahnar ở Kon Sơlang và tiếng Rơngao tại Kon Hơring, ngài được chỉ định đến địa sở Đak Kơna. Sau bao gian nan vì suốt thời gian dài địa sở bị bỏ trống thì đầu năm 1932, hàng loạt các làng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đã xin được gia nhập vào hàng ngũ con cái Chúa. Họ bằng lòng cho rửa tội các em dưới 7 tuổi, bằng lòng làm một nhà nguyện trong làng họ và đa số ghi tên vào dự tòng trước là Đak Rơman Iop sau là tới Đak Rơman Peng, Đak Long, Đak Mot, Đak Tơmbiu, Đak Rơlang và cũng cuối năm ấy có ba làng khác trở lại là Đak-Tong, Đak MotKram, Đak Brao. Qua vài năm sau thì thêm 20 làng nữa ghi tên vào danh sách cứu rỗi với 1844 tín hữu và 1005 dự tòng.
Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như thế thì linh mục Phaolô Crétin không thể cáng đáng hơn 4.000 giáo dân nằm rải rác trong một diện tích to lớn nên Đức Cha vào ngày 3-1936 quyết định chia địa sở Đak Kơna ra làm hai.  Một ở phía đông, có quốc lộ 14, xuyên từ đầu nầy qua đầu khác mà họ Đak Chô như trung tâm điểm, địa sở thứ hai ở phía tây ngã sông Pơkô, có làng Đak Mot quan trọng làm trung tâm.
Sau biến cố 1975 từ năm 1978 đến 1997, linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên phụ trách địa sở Dak Mot, vì hoàn cảnh khó khăn ngăn trở của nhà cầm quyền cộng sản nên ngài không thể hiện diện thường xuyên với bổn đạo được, mà phải chạy đi chạy về như con thoi giữa Ngọc Hồi và Kontum!.
Từ năm 1997 đến 2002, Đức Giám Mục trao địa sở Dak Mot thuộc quyền linh mục Simon Phan Văn Bình.
Từ năm 2003 linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên, Tổng Đại Diện Giáo phận Kontum, đồng thời lại đặc trách địa sở Dak Mot gồm 3 xứ: Dak Mot, Dak Jâk và Dak Tuk; với địa bàn gồm 2  huyện: Ngọc Hồi và Dak Glei; trong phạm vi trên dưới 100km.
1404160009
Ngày 02 – 06 – 2006, linh mục  Phêrô Trần công Minh được Đức Cha cử đến phụ tá Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên. Mười ngày sau khi lên nơi cư trú giữa đoàn chiên đã nhiều năm vắng bóng linh mục trực tiếp mục vụ, hai vị linh mục bắt tay vào việc dựng một láng trại che nắng che mưa để giáo dân có nơi cầu nguyện và tham dự thánh lễ, lán trại được làm bằng tre nứa với diện tích khoảng 300m2 .
Ngày 28 – 06 – 2006, linh mục Hiêrônimô Lê Đình Hùng được chính thức bổ nhiệm về làm phó giáo xứ Dak Mot. Cánh đồng truyền giáo miền cực Bắc Giáo phận Kontum vẫn còn quá bao la so với 3 “thợ gặt” nên trước Tết Nguyên Đán 2009, Đức Giám Mục lại cử thêm linh mục Gioan Baotixita Hồ Quang Huyên lên với cộng đoàn. Ngày 23 – 12 – 2010 địa sở Dak Mot có thêm một cha phó nữa là cha Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi.
Nhà thờ Dak Mốt, Giáo hạt Dak Mốt, Giáo phận Kon Tum
Ngày 25 tháng 2 năm 2009, thứ tư lễ tro, Giáo xứ Đak Mot đã khởi công xây dựng nhà thờ mới với diện tích 980m2. Sau hơn hai năm xây dựng ngày 21/3/2011 giáo xứ đã khánh thành nhà thờ và mừng 75 năm trở thành địa sở sau khi tách ra từ địa sở Dak Kơna (1936-2011).
Khoảng tháng 11 năm 2011 linh mục Antôn Nguyễn Văn Binh được cử về làm Chánh xứ cho đến  tháng 11 năm 2013
Linh mục Giuse Võ văn Dũng làm chánh xứ và linh mục Trần Văn Trạch làm phó xứ  từ cuối năm 2013 cho đến nay.
Theo bảng thống kê năm 2010  địa sở Dak Mot có 7316 giáo dân. Đến nay con số tăng vọt vào khoảng 14.987 Giáo dân trong đó khoảng 85% là giáo dân người dân tộc và khoảng 15% là giáo dân người Kinh. Một điều đặc biệt  là nơi đây có số người khác sắc tộc nhiều nhất trong giáo phận Kontum như (Sedang, Hơlăng, Jẻ, Cajong, Brau, Thái, Mường, Nùng, Kinh…).
PV VRNs tại Kontum

1 nhận xét:

  1. Rất mong Giáo Hội đặt định một danh xưng chính thức cho thánh lễ này. Theo sách NGHI THỨC TUẦN THÁNH của Lm. Giacôbê Nguyễn Văn Vi và Lịch Công giáo, thánh lễ này được gọi là Thánh Lễ Làm Phép Dầu, hay gọi tắt hơn là Lễ Dầu. Tại bài viết này, PV VRNs dùng nhiều lần "Thánh Lễ Truyền Dầu",hình như không được chuẩn xác lắm! MTC

    Trả lờiXóa