Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ngôi thánh đường mới ở biên giới giúp hoà giải Seoul và Bình Nhưỡng


Ngôi thánh đường sẽ được khánh thành và dâng hiến cho lòng nhân từ và sự cứu chuộc của Chúa. Bên trong có các bức khảm mô tả các vị tử đạo, do các hoạ sĩ ở miền bắc thực hiện. Đức TGM về hưu của Seoul cho biết toà nhà tượng trưng cho ước vọng hoà bình, thống nhất và hoà giải, làm phấn khởi người dân Hàn Quốc. 

EMTY (Seoul, 6-20-2013, AsiaNews, Joseph Yun Li-sun) - Một ngôi thánh đường mới được dâng hiến cho lòng nhân từ và sự cứu chuộc của Chúa, toạ lạc nơi biên giới ngăn cách hai miền Triều Tiên, sẽ được khánh thành vào ngày 25-6, đánh dấu dịp kỷ niệm 60 năm hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh làm chia cắt bán đảo Triều Tiên. Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, ngôi nhà thờ mới “mong muốn trở thành một biểu tượng rõ ràng về ước vọng hoà bình và hoà giải trong nước”.

Nơi thờ phượng này toạ lạc ở Paju, cách Thủ đô Seoul của Hàn Quốc 50 km về phía bắc. Thánh lễ Khánh thành sẽ được Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin-suk, Tổng Giám mục về hưu của Seoul, cử hành. “Ngôi nhà thờ” - vị Giám mục nói - “tượng trưng cho ước vọng hoà bình, thống nhất và hoà giải, làm phấn khởi người dân Hàn Quốc”. Trong buổi lễ, “chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những người đã bỏ mình trong chiến tranh và cầu xin Chúa ban cho chúng tôi sự thanh thản”, ngài nói. Linh mục Chánh xứ sẽ là Cha Lee Eun-hyung, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Hoà giải Dân tộc Triều Tiên.

Việc xây dựng toà nhà bắt đầu từ năm 1997, khi một nhóm người Công giáo chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên đã quyết định mua đất và tặng cho Giáo hội địa phương để xây dựng một “dấu hiệu của hy vọng và hoà bình”. Kể từ tháng 4-2006, dự án được giám sát bởi Tổng Giáo phận Seoul, là đơn vị tài trợ cho công trình,.

Bên trong thánh đường là những bức khảm (mosaics) của các hoạ sĩ thuộc Phòng Nghệ thuật Mansudae, có trụ sở ở miền bắc: chúng mô tả các vị tử đạo của Bình Nhưỡng và tỉnh Hoàng Hà (Hwanghae), là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc đàn áp tôn giáo. Ở bên ngoài được thiết kế dựa theo kiến trúc của Nhà thờ Chính toà Jinsadong, được xây dựng năm 1926 và bị người cộng sản phá huỷ.

Trung tâm Hoà giải Quốc gia ở bên cạnh nhà thờ do Cộng đồng Công giáo điều hành. Trong nhiều năm, trung tâm đã tiếp đón những người tị nạn chạy trốn chế độ Bình Nhưỡng của miền Bắc, cung cấp cho họ những khoá học để hoà nhập vào xã hội và tìm công ăn việc làm cho họ. Ngoài ra, các nhà truyền giáo mới tại đây cũng được đào tạo về đối thoại tôn giáo và giao thương với miền Bắc.

Lm. Matthias Hur Young-yup, Chánh Văn phòng Tổng Giáo phận Seoul, cho biết: “Điều quan trọng nhất mà Giáo hội Hàn Quốc có thể làm để giúp cho việc thống nhất đất nước là cầu nguyện và giáo dục. Nhiều năm qua, Uỷ ban đã dấn thân để hoà giải trong lĩnh vực giáo dục, nhằm giúp người dân Hàn Quốc hiểu nhiều hơn về người anh em của họ ở miền Bắc và từ đó làm giảm các trở ngại về thông tin liên lạc. Niềm hy vọng tốt nhất của chúng tôi là đối thoại.”
Mai Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét