Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Giáo xứ Plei Kơbei đón nhận Hồng Ân Cao cả được Thiên Chúa Thương ban.


05/06/2013
 
 
 
 
 
 
Rate This

165 Năm  Truyền Giáo Tại Giáo Phận Kon Tum
&
Lễ Tấn Phong Linh Mục Cho Thầy Phó Tế  Phêrô A Đên



Quả là một sự kiện vô cùng quý báu và lớn lao cho Giáo Phận Kon Tum, khi Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận đã chọn ngày 05-06-2013 để trao ban chức Thừa Tác Linh Mục cho Thầy Phó Tế A Đên, người sắc tộc Jrai, tại chính Quê Hương của Thầy là Giáo Xứ Plei Kơbei.
Đây chính là Hồng Ân, là Thành quả của 165 năm Truyền Giáo.

          Để mọi người có thể nhận biết Sự Kiện này quý báu và lớn lao đến chừng nào, Ban Truyền Thông Giáo Phận xin kính mời tất cả chúng ta cùng tiến về Giáo xứ Plei Kơbey để chia sẻ niềm vui với Bà Con Giáo Dân; và cùng với Cha Quản Xứ Simon Phan Văn Bình (người đã từng kề vai sát cánh để đỡ nâng, chăm sóc, dắt dìu hơn 4500 anh em Plei Kơbey trong những cuộc Hành Trình với biết bao gian lao, khốn cực … ) lật lại những trang sử vô cùng thâm trầm và cũng rất sinh động để xác tín rằng Bàn Tay Chúa Quan Phòng đã, đang và sẽ mãi mãi quyền năng và ấm áp trong từng cuộc đời chúng ta!


Những tháng năm ủ mộng đâm chồi …

          Kon Tum từ năm 1852…
          Vào những năm trước và từ 1852 trở đi; mặc dầu Miền Truyền Giáo Cao Nguyên chỉ mới có 5, 7 Linh Mục Thừa Sai; thế nhưng các Ngài đã cật lực vì Nước Chúa. Các Ngài đã phân bổ Miền Truyền Giáo Kon Tum thành bốn Trung Tâm chính:
1/ Trung tâm Kon Kơxâm nay thuộc Xã Hà Tây, Trung Tâm này được giao cho Cha Combes để lo cho người Bahnar vùng cao.

2/ Trung tâm Rơhai được Cha Do (Bok Lành) chăm sóc cùng với một cha người pháp là Cha Desgouts. Trung Tâm này chuyên chăm chút cho con cái người Bahnar và Rơngao.

3/ Xuôi giòng Đăk Bla, giáp giới sông Pôkô có làng Plei Chư, tại đây, các Cha đã chọn làm Trung Tâm lo cho anh em Jarai tại đây, và giao cho Cha Fontaine phụ trách.

4/ Từ điểm giáp giới sông Đăk Bla và sông Pôkô này ngược lên hướng bắc, đến làng Đăk Wơk, rẽ vào Kon Trang, nay là Thị Trấn Đăk Hà. Các Cha đã phó thác công cuộc Truyền Giáo vùng đất phía bắc này cho Cha Dourisboure, và tại đây, Cha Dourisboure đã tận tụy đem Chúa đến cho đoàn con cái Séđăng. Đây là Trung tâm thứ tư.

          Những năm đầu tiên, các Nhà Truyền Giáo đã không thể sống quá ba năm tại đia sở của mình vì bị bệnh sốt rét ngã nước và vì quá thiếu thốn mà phải qua đời, hoặc phải chuyển đi nơi khác để chữa bệnh. Chỉ duy có Cha Dourisboure đã vượt qua và đã sống lâu với con cái; nhờ đó chúng ta mới có Quyển “ Dân Làng Hồ” hôm nay.

          Đối với anh em Jrai ở vùng Pleichư này, sách vở không nói gì. Chỉ biết mãi đến năm 1932 – 1934, Cha Simon Nguyễn Diện đã giúp họ phá thần, “ Păi Yang” ( xin tòng giáo) để trở thành con Chúa.
Dưới thời kỳ Cha Diện, miền này vẫn thuộc địa sở Plei Jơdrập.
Từ năm 1952- 1955, anh em Plei Kơbei được Cha Tôma Lê Thành Ánh chăm sóc.
Từ giữa năm 1955 – 1958, Giáo Dân Plei Kơbei được giao cho cha Phêrô Nguyễn Thúc Nên quản nhiệm.
Từ 1958 – 1962 , Cha Phêrô Trần Thanh Chung (sau là Giám Mục Giáo Phận Kon Tum) về làm Cha Sở. Thời kỳ này cả Cha Sở lẫn anh em Giáo dân đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do chiến tranh, loạn lạc…
Đến năm 1963, tình hình ngày càng nguy kịch, và anh em Kơbei tự lánh làn đạn mưa bôm, phải di tản đến bên kia sông Pôkô, thuộc Xã Krong hiện nay.
Đến năm 1969, Cha Simon Phan Văn Bình được Đức Giám mục giáo phận lúc đó là Đức cha Phaolô Kim (Paul Seitz) điều về chăm sóc đoàn chiên nheo nhóc này tạm lánh nạn tại Plei Krong tả ngạn sông Pơkô. Số anh em lúc ấy là khoảng 4500 người, định cư trong 8 làng.
Thangs 10, năm 1970, được Đức Cha Phaolô Kim giới thiệu, cha Simon vào Cần Thơ xin Bề Trên Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng cắt cử một số nữ tu của Dòng đến Plei Kơbei để phục vụ. Năm 1972, do cuộc chiến Mùa Hè đỏ lửa, Cha Simon đã phải đưa cả đoàn con về lánh nạn tại Kon Tum. Mới đầu, tạm trú ở Paradis; sau vì muốn được an toàn hơn, Cha đã dắt mọi người về Trường Cuénot, gần Nhà thờ Chính Tòa Kontum.
Thế nhưng chưa được bao lâu thì một số bộ đội đến đánh chiếm thị xã Kontum và đã lọt vào Trường Cuénot; tiếng súng rít bên tai, sinh mạng bị đe dọa và thế là Cha Simon một lần nữa lại phải dắt dìu con cái đến trú tại Trường Nam, tức là Trường Bok Kiơm xưa, nay là Trường nội Trú Dân Tộc do Nhà Nước quản lý.

          Chiến tranh ngày càng ác liệt sát ngay trong Thành phố; Chính Quyền lại một lần nữa cho di tản nhóm dân tộc tị nạn tội nghiệp này đi nơi khác, cũng như những nhóm khác xuống Gia Lai, sau đó đưa đến tá túc trong các cơ sở cũ của quân đội ở Hàm Rồng, có nhóm được chuyển đến tận Phú Bổn, Buôn Mê Thuột; đấy chính là gốc tích các anh em sắc tộc Miền Kon Tum ở Gia lai và Đắc Lắc..
          Đến giữa năm 1973, tình hình chiến cuộc tưởng như tạm ổn, nên nhóm anh em Jrai này lại được trở về khu vực Plei Krong. Lúc ấy sông Pôkô trở thành lằn ranh của hai chiến tuyến.
Hữu Ngạn thuộc về bộ đội chiếm đóng.
Tả Ngạn trở thành vùng tạm ngưng chiến, ai đang ở đâu thì ở đó.
Cha Simon Bình cùng với anh em Plei Kơbei đang ở trong vùng này.
Thế nhưng chỉ được một năm, đoàn dân Kơbei lại phải lánh nạn về Xưởng Cưa Kon Tum. Cuối cùng về định cư tại Trung Nghĩa.
           
          Sau Giải Phóng 1976, Chính Quyền đưa Đoàn Dân về “Kơbei mới”, tức bên hữu ngạn sông Pôkô bây giờ. Đây chính là nơi mà sáng ngày 05-06-2013 sẽ diễn ra Lễ tấn phong Linh Mục cho Thầy Phó Tế  A Đên, Người Con và Bông Hoa Linh Mục đầu tiên của Bản Địa được đào tạo tại Chủng viện thừa sai Kontum.
Vì ở Kơbei mới thiếu đất đai để canh tác, nên một số các gia đình trẻ đã đến những vùng đất hoang mới dọc bờ sông Pôkô để lập nghiệp, vẫn giữ tên Kơbei để nhớ về Nguồn gốc Tổ tiên…Đó là lý do tại sao lại có tới ba địa danh có tên Kơbei . Vào thời điểm này, Cha Simon cũng được thuyên chuyển đi nơi khác; thế là từ năm 1976 – 1988  Kơbei  không có Cha Sở chính thức; anh em được sát nhập vào Giáo Xứ Măng La, dưới sự chăm sóc của Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu cũng như các cha sở Giáo xứ Măng La sau đó.

          Mãi đến trước Lễ Giáng sinh năm 2010, Cha Simon Bình lại trở về với đoàn con mà Ngài đã dày công chăm sóc; đã tận lực cùng họ vượt núi vượt đèo…
Nhìn lại quãng đường của cuộc hành trình đã qua, với những ngày tháng lưu lạc, đổi dời… trước những biến cố không ai có thể lường đoán được; vậy mà không ai bị chết đói, thuốc men luôn đầy đủ được quí nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng tận tình phục vụ… Cảm nghiệm được Chúa quan phòng, Cha Simon đã phải thốt lên: “ Ai đã dẫn dắt, nuôi dưỡng, chăm lo cho Đoàn Dân này, nếu không phải là Chúa! “
           
Giờ đây, mặc dầu Plei Kơbei chưa có được Ngôi Thánh Đường rộng lớn; nhưng mọi sự xem như đang đi vào ổn định.
Việc Thiên Chúa đã tuyển chọn và cất nhắc một người con của Kơbei lên lãnh Sứ Vụ Thừa Tác của Ngài chính là một Thông Điệp mà Chúa nhắn gửi cho đoàn con cái người rằng:
 “ Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ.
    Người tặng ban ân huệ với vinh quang.
   Ai sống đời trọn hảo; Người chẳng nỡ từ chối ơn lành” (T.V 83, 12)

Kính xin mọi người cùng chúc mừng và chia sẻ niềm vui với Giáo Xứ Kơbei; và cầu nguyện cho Buổi lễ Tấn Phong Linh Mục cho Thầy A Đên ngày mai được diễn tiến tốt đẹp. Và xin cho Kơbei có thêm được những Thợ Gặt thánh thiện và nhiệt thành để cánh Đồng Truyền Giáo Tây Nguyên  ngày càng trổ thêm những mùa lúa phong nhiêu.


Hạt Giống đã nảy mầm…

Lễ Tấn Phong Linh Mục Cho Thầy Phó Tế  Phêrô A Đên
05-06-2013
GPKONTUM (05.06/2013) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét