Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hơn 800 Hiển Thánh


Chủ nhật, ngày 12 tháng năm năm 2013




VATICAN - Sáng Chúa Nhật 12-5-2013, ĐTC Phanxicô đã ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội hơn 800 vị Hiển Thánh mới. Đây là Lễ Tôn phong Hiển Thánh đầu tiên trong triều đại của Đức Phanxicô.

Đứng đầu là Thánh Antonio Primaldo và 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ giết hại cách đây hơn 530 năm vì không chịu bỏ đức tin Công giáo để theo Hồi giáo.
Hồi đó, quân Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ hùng hậu vây hãm thành Otranto và chiếm được thành vào ngày 11-8-1480. Nhiều người bị giết chết và 3 ngày sau đó viên chỉ huy ra lệnh tảo thanh càn quét tất cả những người còn sống sót trong thành Otranto, những người nam từ 15 tuổi trở lên. Tổng cộng có 800 người bị bắt. Họ bị đặt trước hai lựa chọn: một là bỏ đạo Kitô để theo Hồi giáo, hay là chịu chém đầu. Cụ già Antonio Pezzulla, cũng gọi là Primaldo, làm nghề thợ may, thay mặt tất cả mọi người trả lời: "Chúng tôi tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và vì Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi sẵn sàng chịu chết. Cho đến nay chúng tôi đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và cứu vãn tài sản cũng như mạng sống của chúng tôi; giờ đây chúng tôi cần chiến đấu cho Chúa Giêsu Kitô, để cứu vãn thiện ích và linh hồn của chúng tôi."

Thế là các tù nhân bị chia thành từng nhóm 50 người và dẫn lên đồi Minerva ở ven thành, nay được gọi là "Đồi các vị Tử đạo”. Tại đây tất cả đều bị chém đầu, trước sự hiện diện của những người thân thích họ hàng. Lịch sử còn ghi lại rằng trong cuộc tàn sát các vị tử đạo, một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Bersabei đã trở lại đạo khi chứng kiến lòng can đảm của những người thành Otranto chịu chết vì đức tin. Cả ông Bersabei cũng chịu tử đạo do tay của các bạn đồng ngũ.

Đứng thứ hai trong danh sách là nữ chân phước là Laura Thánh nữ Catarina Siena Montoya, người Colombia, sáng lập dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, và Thánh nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi.

Khi được 35 tuổi, chị Laura, được mẹ tháp tùng, đã cùng với 4 nữ thừa sai giáo lý viên cho thổ dân rời bỏ thành Medellín để đi tới Dabeiba hẻo lánh vào ngày 5-5-1914, thi hành công tác giáo dục và giảng dạy giáo lý cho các thổ dân thuộc bộ lạc Cuna.

Mặc dù bị bệnh và phải ngồi xe lăn trong 9 năm cuối đời, Mẹ Laura Thánh nữ Catarina tiếp tục hướng dẫn và linh hoạt hội dòng. Mẹ qua đời năm 1949. Lúc đó dòng đã được 500 nữ tu và khoảng 100 tập sinh, phục vụ 22 sắc tộc thổ dân khác nhau. Về sau số nữ tu gia tăng quá gấp tội và hiện nay dòng có 850 nữ tu hoạt động tại 21 quốc gia, phần lớn tại châu Mỹ Latinh, nhưng cũng có tại hai nước Phi châu và Âu châu như Italia và Tây Ban Nha.

- Sau cùng là nữ Chân phước Maria Guadalupe García Zavala, người Mexico, đồng sáng lập dòng các Nữ tỳ thánh Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo, qua đời năm 1963, thọ 85 tuổi.

Thánh nữ quen gọi là Lupita, sinh trong trong một gia đình thân phụ là một thương gia. Vốn là một thiếu nữ đẹp và dễ thương, đính hôn năm 23 tuổi, nhưng rồi Lupita cảm thấy tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, đặc biệt quan tâm đến những người bệnh tật và nghèo khổ. Với sự trợ giúp của cha linh hướng, chị Lupita thành lập dòng "Nữ tỳ Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo".


Chị Lupita rất quan tâm đến các bệnh nhân và thường dạy các nữ tu "hãy săn sóc người bệnh như săn sóc chính Chúa Kitô". Mẹ cũng là một phụ nữ tốt lành, khiêm tốn và có lòng kính mến Thiên Chúa hết lòng, và tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa.

Trong thời bách hại tại Mexico, Mẹ Lupita cùng với một số nữ tu đã liều mạng giấu kín trong nhà thương một số linh mục và cả Đức cha Francisco Orozco y Jimenez, TGM Giáo phận Guadalajara là giáo phận lớn thứ hai tại Mexico. Lúc sinh thời, Mẹ Lupita đã thành lập 11 cơ sở của dòng tại Mexico, và sau khi Mẹ qua đời, dòng tiếp tục phát triển và hiện nay Dòng các Nữ tỳ Thánh nữ Margarita và người nghèo có 22 cơ sở tại Mexico, Pêru, đảo Iceland, Hy Lạp và Italia.

Mẹ Lupita là phụ nữ thứ hai người Mexico được phong hiển thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét