Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Toàn thể các Giám Mục VN tham gia giờ chầu Thánh Thể với Đức Thánh Cha Phanxicô


Theo lịch trình Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự 1 giờ chầu Thánh Thể lúc 5g chiều ngày lễ Mình Máu Thánh Chuá, ngày 2 tháng 6, 2013, tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Toàn Thể các giám mục khắp nơi trên Thể giới đã được mời chủ trì một giờ chầu Thánh Thể cùng lúc tại địa phương mình. (10g tối Hànội, 11g sáng Washington DC, 8g sáng Los Angeles, 1g đêm Sidney)

Có hai ý chỉ cho buổi chầu.

Thứ nhất là cầu cho "Giáo Hội đang hợp nhất trong Nhiệm Tích Chí Thánh," được luôn luôn sống theo lời Chuá và tỏ mình cho Thế Giới là một Giáo Hội "xinh đẹp, không tì vết, thánh thiện và toàn hảo."

Thứ hai là cầu cho tất cả những ai trên thế giới còn đang phải sống trong cảnh bạo lực, ma túy hoặc buôn người, thiếu thốn, và bị đẩy qua bên lề xã hội.

Rất nhiều giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã phúc đáp chấp nhận lời mời cuả Đức Thánh Cha, làm cho buổi chầu ngày 2 tháng 6 tới là một buổi chầu 'đồng thời' duy nhất trong lịch sử có sự hiện diện cuả toàn thể Thế Giới Công Giáo.

"Ngay cả một số đảo ở giữa đại dương.. . vào lúc 2 giờ sáng - không điện - mà vẫn sẽ hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô", là lời cuả Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichellam chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa.

Trên biển, Bí Tích Thánh Thể được cử hành ở các quần đảo Cook, Samoa, Honolulu, Papua New Guinea, Solomon và Guam.

Nếu đánh dấu trên bản đồ thì danh sách các nơi chấp nhận sẽ trông giống như một 'tour du lịch ảo' trải dài từ Reykjavik, Iceland ở phía bắc, cho đến các giáo phận ở Nam Phi, Chile và New Zealand ở phía nam.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên với 'toàn thể các giáo phận' đã hưởng ứng tham gia. Tiếp theo sau là Nam Hàn.

Các nước khác với một số lượng lớn giáo xứ hay giáo phận đã ghi danh tham gia là: Hoa Kỳ với 243, Ấn Độ với 163, Brazil với 56, và Ý với 50.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng lời cầu nguyện bằng tiếng Ý và tiếng Latinh, còn tại các nơi khác giờ Chầu Thánh Thể sẽ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương.

Để biết thêm và đăng ký cho các sự kiện Năm Đức tin xin truy cập Năm Đức Tin

http://www.vietcatholic.net/News/Html/109024.htm

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh và dẫn dắt chúng ta



VRNs (16.05.2013) – Long An – Chúa Thánh Thần hướng dẫn HT và dẫn dắt chúng ta
Theo Romereports, 15.03.2013, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Francis giảng huấn về Chúa Thánh Thần. Với hàng ngàn người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nói sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp ta tìm ra chân lý.
Chị em thân mến,
“Trong bài giáo lý dựa trên Kinh Tin Kính, chúng tôi đã xem xét ngôi vị và công việc của Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu gọi là” Thần Chân Lý “(x. Ga 16:13). Trong một thời đại hoài nghi về sự thật, chúng tôi tin rằng không chỉ có sự thật tồn tại, nhưng nó được tìm thấy thông qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tới Chúa Giêsu, Ngài hướng dẫn toàn thể Giáo Hội tiến tới sự viên mãn của chân lý.


Là “Đấng Bảo Trợ”, Ngài được sai đến bởi Chúa Phục Sinh, Ngài nhắc nhở chúng ta về lời của Chúa Kitô và thuyết phục chúng ta về chân lý cứu độ của TC.  Như là nguồn cội của cuộc sống mới trong Chúa Kitô, Ngài hiện diện trong trái tim chúng ta cách siêu nhiên, giúp ta thấu hiểu về “ý nghĩa của đức tin” dựa trên nền tảng lời Thiên Chúa, đến với sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó, và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi thực sự mở lòng mình, như Đức Trinh Nữ Maria nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần hay chưa? Ngay cả bây giờ, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn chúng ta.
Hãy tha thiết nài xin Ngài hướng dẫn chúng ta vào trong sự thật và để giúp chúng ta lớn lên trong tương quan bạn hữu với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện hàng ngày, đọc Kinh Thánh và việc cử hành các bí tích.


ĐTC rất vui mừng chào đón nhiều khách hành hương nói tiếng Anh và du khách có mặt tại quảng trường, cả những người từ Anh, Scotland, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ.  Khi Giáo Hội chuẩn bị để đón mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi nguyện xin Người ban sự khôn ngoan, niềm vui và hòa bình đến với các bạn, gia đình của các bạn trên con đường của người môn đệ Kitô hữu đích thực. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn! “

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hơn 800 Hiển Thánh


Chủ nhật, ngày 12 tháng năm năm 2013




VATICAN - Sáng Chúa Nhật 12-5-2013, ĐTC Phanxicô đã ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội hơn 800 vị Hiển Thánh mới. Đây là Lễ Tôn phong Hiển Thánh đầu tiên trong triều đại của Đức Phanxicô.

Đứng đầu là Thánh Antonio Primaldo và 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ giết hại cách đây hơn 530 năm vì không chịu bỏ đức tin Công giáo để theo Hồi giáo.
Hồi đó, quân Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ hùng hậu vây hãm thành Otranto và chiếm được thành vào ngày 11-8-1480. Nhiều người bị giết chết và 3 ngày sau đó viên chỉ huy ra lệnh tảo thanh càn quét tất cả những người còn sống sót trong thành Otranto, những người nam từ 15 tuổi trở lên. Tổng cộng có 800 người bị bắt. Họ bị đặt trước hai lựa chọn: một là bỏ đạo Kitô để theo Hồi giáo, hay là chịu chém đầu. Cụ già Antonio Pezzulla, cũng gọi là Primaldo, làm nghề thợ may, thay mặt tất cả mọi người trả lời: "Chúng tôi tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và vì Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi sẵn sàng chịu chết. Cho đến nay chúng tôi đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và cứu vãn tài sản cũng như mạng sống của chúng tôi; giờ đây chúng tôi cần chiến đấu cho Chúa Giêsu Kitô, để cứu vãn thiện ích và linh hồn của chúng tôi."

Thế là các tù nhân bị chia thành từng nhóm 50 người và dẫn lên đồi Minerva ở ven thành, nay được gọi là "Đồi các vị Tử đạo”. Tại đây tất cả đều bị chém đầu, trước sự hiện diện của những người thân thích họ hàng. Lịch sử còn ghi lại rằng trong cuộc tàn sát các vị tử đạo, một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Bersabei đã trở lại đạo khi chứng kiến lòng can đảm của những người thành Otranto chịu chết vì đức tin. Cả ông Bersabei cũng chịu tử đạo do tay của các bạn đồng ngũ.

Đứng thứ hai trong danh sách là nữ chân phước là Laura Thánh nữ Catarina Siena Montoya, người Colombia, sáng lập dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, và Thánh nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi.

Khi được 35 tuổi, chị Laura, được mẹ tháp tùng, đã cùng với 4 nữ thừa sai giáo lý viên cho thổ dân rời bỏ thành Medellín để đi tới Dabeiba hẻo lánh vào ngày 5-5-1914, thi hành công tác giáo dục và giảng dạy giáo lý cho các thổ dân thuộc bộ lạc Cuna.

Mặc dù bị bệnh và phải ngồi xe lăn trong 9 năm cuối đời, Mẹ Laura Thánh nữ Catarina tiếp tục hướng dẫn và linh hoạt hội dòng. Mẹ qua đời năm 1949. Lúc đó dòng đã được 500 nữ tu và khoảng 100 tập sinh, phục vụ 22 sắc tộc thổ dân khác nhau. Về sau số nữ tu gia tăng quá gấp tội và hiện nay dòng có 850 nữ tu hoạt động tại 21 quốc gia, phần lớn tại châu Mỹ Latinh, nhưng cũng có tại hai nước Phi châu và Âu châu như Italia và Tây Ban Nha.

- Sau cùng là nữ Chân phước Maria Guadalupe García Zavala, người Mexico, đồng sáng lập dòng các Nữ tỳ thánh Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo, qua đời năm 1963, thọ 85 tuổi.

Thánh nữ quen gọi là Lupita, sinh trong trong một gia đình thân phụ là một thương gia. Vốn là một thiếu nữ đẹp và dễ thương, đính hôn năm 23 tuổi, nhưng rồi Lupita cảm thấy tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, đặc biệt quan tâm đến những người bệnh tật và nghèo khổ. Với sự trợ giúp của cha linh hướng, chị Lupita thành lập dòng "Nữ tỳ Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo".


Chị Lupita rất quan tâm đến các bệnh nhân và thường dạy các nữ tu "hãy săn sóc người bệnh như săn sóc chính Chúa Kitô". Mẹ cũng là một phụ nữ tốt lành, khiêm tốn và có lòng kính mến Thiên Chúa hết lòng, và tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa.

Trong thời bách hại tại Mexico, Mẹ Lupita cùng với một số nữ tu đã liều mạng giấu kín trong nhà thương một số linh mục và cả Đức cha Francisco Orozco y Jimenez, TGM Giáo phận Guadalajara là giáo phận lớn thứ hai tại Mexico. Lúc sinh thời, Mẹ Lupita đã thành lập 11 cơ sở của dòng tại Mexico, và sau khi Mẹ qua đời, dòng tiếp tục phát triển và hiện nay Dòng các Nữ tỳ Thánh nữ Margarita và người nghèo có 22 cơ sở tại Mexico, Pêru, đảo Iceland, Hy Lạp và Italia.

Mẹ Lupita là phụ nữ thứ hai người Mexico được phong hiển thánh.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Tin Công giáo, ngày 10.5.2013 « Tin Công Giáo « Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Tin Công giáo, ngày 10.5.2013 « Tin Công Giáo « Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam:

'via Blog this'

Gia Lai: gió lốc tàn phá Giáo xứ An Mỹ « Tin Việt Nam « Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Gia Lai: gió lốc tàn phá Giáo xứ An Mỹ « Tin Việt Nam « Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam:

'via Blog this'

Đức Thánh Cha tiếp kiến 900 nữ bề trên tổng quyền






VATICAN - ĐTC Phanxicô nhắc nhở các bề trên tổng quyền thực thi quyền bính trong hội dòng như một công tác phục vụ và có cùng cảm thức với Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-5-2013, dành cho 900 nữ bề trên tổng quyền vừa kết thúc đại hội tại Roma từ ngày 3 đến 7-5 vừa qua.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC mời gọi các bề trên hãy giúp hội dòng của mình "xuất hành" ra khỏi chính mình và hành trình trên con đường thờ lạy Chúa và phục vụ, qua 3 cột trụ của đời sống thánh hiến: vâng phục, thanh bần và khiết tịnh. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi quyền bính, cũng là chủ đề "Dịch vụ quyền bính theo Tin Mừng" của đại hội vừa qua của các bề trên tổng quyền.

ĐTC nói: "Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực, ở bất kỳ cấp độ nào, là một việc phục vụ, có tột đỉnh sáng ngời trên Thánh Giá. Đức Bênêđictô XVI, với sự khôn ngoan, đã nhiều lần nhắc nhở Giáo Hội rằng đối với nhiều người, quyền bính đồng nghĩa với sở hữu, thống trị, thành công, nhưng đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm tốn, yêu thương, có nghĩa là đi vào lý luận của Chúa Giêsu Đấng cúi mình rửa chân cho các Tông đồ (x. Kinh Truyền Tin, 29-1-2012) và Chúa nói với các môn đệ: "Các con biết rằng những người cầm quyền cai trị các dân nước thống trị trên họ... Nơi các con thì không như thế: chính chủ đề đại hội của chị em cũng là: nơi các con không được như thế... Ai muốn làm lớn nơi các con, thì hãy là đầy tớ, và ai muốn là người đứng đầu nơi các các thì hãy là người hầu hạ các con." (Mt 20,25-27) Chúng ta hãy nghĩ đến thiệt hại mà những người nam nữ của Giáo Hội gây ra cho Dân Chúa, những người chỉ lo tiến thân trên con đường sự nghiệp, những người chỉ lo leo lên chức vị cao; họ lạm dụng dân Chúa, Giáo Hội, anh chị em mình - mà lẽ ra họ phải phục vụ - coi những người này chỉ là những bàn đạp để thoả mãn những tham vọng cá nhân và tư lợi của họ. Những kẻ ấy gây thiệt hại rất lớn cho Giáo Hội!"

ĐTC nói thêm: "Chị em hãy luôn biết thực thi quyền bính, trong thái độ đồng hành, cảm thông, giúp đỡ, yêu mến, quan tâm săn sóc mọi người, nhất là những người cảm thấy cô độc, bị gạt bỏ, khô cằn, không được chú ý. Chúng ta hãy hãy hướng nhìn về Thập Giá: bất kỳ quyền bính nào của Giáo Hội đều ở nơi đó, nơi mà Đấng là Chúa, đã trở thành đầy tớ đến độ tận hiến toàn thân mình."

ĐTC cũng nhắc nhở các bề trên về đặc tính Giáo Hội của đời sống thánh hiến: "Ơn gọi của chị em là một đoàn sủng cơ bản đối với hành trình của Giáo Hội, và một người nam nữ thánh hiến không thể không có cùng cảm thức với Giáo Hội: sự đồng cảm này được biểu lộ trong niềm trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh, hiệp thông với các vị Chủ Chăn và với người kế nhiệm Thánh Phêrô, là Giám mục Roma, dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất."

ĐTC nhắc lại Giáo huấn của Đức Phaolô VI theo đó, thực là một "sự phân cách vô lý khi nghĩ rằng mình sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, yêu mến Chúa Giêsu mà không yêu mến Giáo Hội (Evang. nuntiandi, 16). Chị em hãy cảm thấy trách nhiệm chăm sóc việc huấn luyện của hội dòng chị em trong đạo lý lành mạnh của Giáo Hội, trong niềm yêu mến Giáo Hội và trong tinh thần Giáo Hội." (SD 8-5-2013)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV

Phật tử và Kitô hữu nhóm họp tại Rôma



Alessandro Speciale từ Vatican 

Các cuộc thảo luận nhằm thiết lập hoà bình khi tình hình căng thẳng leo thang ở châu Á

Cuộc họp tại Rôma kêu gọi người Phật giáo và Kitô hữu làm việc chung với nhau để xua tan “thành kiến” và “nghi ngờ” lẫn nhau, và làm việc hướng tới kiến thiết hoà bình.

Hội nghị diễn ra giữa lúc tình hình căng thẳng và các vụ bạo lực giữa Phật tử và tín đồ các tôn giáo khác gia tăng trên khắp châu Á.

Hội nghị được tổ chức tại Trường Đại học Truyền giáo Urbaniana ở Rôma, hôm thứ Hai, 10 năm sau cuộc họp chính thức đầu tiên giữa các lãnh đạo Phật giáo và Công giáo.

Trước cuộc họp, mọi người dành hai phút thinh lặng cầu nguyện và sau đó đại diện hai tôn giáo cử hành nghi thức đốt đèn truyền thống.

Nghĩa cử này tượng trưng nguyện vọng chung “xua tan sự hận thù, thiếu hiểu biết và nghi ngờ, và chữa lành vết thương trong quá khứ”, theo Linh mục Indunil Kodithuwakku, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

“Thiếu hiểu biết, sợ hãi, thù địch, thành kiến, chủ nghĩa cá nhân, loại trừ và bạo lực gieo rắc mầm mống chia rẽ khắp thế giới”, Đức Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nhận định.

Đức Hồng y Tauran kêu gọi mọi người “suy nghĩ, nói và hành động” theo cách góp phần thúc đẩy hoà bình và “bỏ qua thành kiến”.


Nguồn: UCANews

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Sứ thần Tòa Thánh tại Tanzania thoát chết

5/6/2013 9:03:01 PMÍt nhất là một giáo dân thiệt mạng và hàng chục anh chị em tín hữu Công Giáo khác bị thương nặng khi một quả bom phát nổ trong buổi lễ thánh hiến diễn ra sáng Chúa Nhật 5 tháng 5 tại một nhà thờ mới ở Olasiti, một thị trấn có 12,000 dân tại phía tại Bắc Tanzania.
tanzania.jpg
Quang cảnh sau khi quả bom phát nổ

Đức Tổng Giám mục Francisco Padilla, sứ thần Tòa Thánh ở Tanzania, và Đức Tổng Giám Mục Josaphat Lebulu của tổng giáo phận Arusha, là Tổng Giám Mục địa phương, đã may mắn không bị thương.

Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết:

"Lời cầu nguyện của tôi hướng đặc biệt đến các nạn nhân đã chết và những người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương rất nghiêm trọng. Tôi cầu nguyện rằng hòa bình sẽ luôn luôn ngự trị, và bạo lực sẽ không phải là cách để giải quyết căng thẳng."

Tanzania là quốc gia ở miền Đông Phi Châu giáp giới với Kenya và Uganda về phía Bắc, Rwanda, Burundi và Cộng Hòa Congo về phiá Tây; và Zambia, Malawi và Mozambique về phía Nam.

Tanzania có 46,9 triệu dân trong đó 30% là Công giáo, 35% người Hồi giáo. 35% còn lại theo các hệ phái Tin Lành, và các tín ngưỡng bản địa.

Vụ đánh bom ở Olasiti đã xảy ra sau khi một linh mục bị Hồi Giáo cực đoan giết chết vào Tháng Hai và hàng loạt nhà thờ tại thủ đô Dodoma và thành phố lớn thứ hai là Dar es Salaam bị tấn công. Hồi Giáo cực đoan đã vu cáo một thiếu niên Công Giáo đi tiểu vào một bản sao của kinh Qur'an để mở các cuộc tấn công trong thời gian qua.

(Nguyễn Việt Nam, VietCatholic 06-05-2013)

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Lễ Cung hiến Thánh đường Công giáo đầu tiên trên Đảo Phú Quý





Ngày 1-5-2013, trang sử của Đảo Phú Quý, Bình Thuận, ghi dấu 3 sự kiện vui mừng trọng đại của người Công giáo nơi hải đảo xa xôi: Thứ nhất, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, là vị cha chung kính yêu đã vượt trùng dương mênh mông đến thăm mục vụ con chiên trên đảo; thứ hai, ngôi thánh đường Đảo Phú Quý mà giáo dân sau 20 năm mơ ước nay đã hoàn thành và được cung hiến cho Thiên Chúa; và thứ ba, Giáo họ Đảo Phú Quý có linh mục quản nhiệm tiên khởi là Cha Giuse Nguyễn Thanh Cảnh. Tiếng chuông rộn rã nương theo gió biển vang xa loan báo tin vui đến mọi người trên khắp đảo.

 

Vượt biển đến với anh chị em Đảo Phú Quý

16g00 chiều ngày 30-4-2013, hai tàu Bình Thuận 16 và Bình Thuận 18 cập cảng đưa  Đức Giám mục và khoảng 400 quan khách từ đất liền ra dự Lễ Cung hiến Thánh đường Đảo Phú Quý. Sau chuyến hành trình hơn 5 giờ đồng hồ cho 56 hải lý (tàu rời cảng Phan Thiết lúc 12g00), nhờ Chúa thương cho biển êm nên hầu hết người trong đoàn đều khoẻ và háo hức mong nhanh đến gặp gỡ bà con trên đảo. Gần đến đảo, Đức cha Giuse đã lên đứng trên mui tàu hướng nhìn về đảo nơi có đoàn chiên bé nhỏ xa xôi nhất của mình. Ngay từ khá xa, đứng trên boong tàu đã trông thấy tháp chuông và mái ngói đỏ của nhà thờ rực lên trong ráng chiều. Tàu cập cảng, mọi người tíu tít chào nhau niềm vui của anh em trong một gia đình Giáo phận. Các đoàn lần lượt theo những chuyến xe về khu vực nhà thờ và các nhà nghỉ. Đây là lần thứ hai giáo đoàn Đảo Phú Quý nhỏ bé xa xôi này được đón tiếp đông đảo các linh mục, tu sĩ và anh chị em cùng bổn đạo từ đất liền ra thăm.

Trên mảnh đất được chính quyền cấp xây nhà thờ 1 năm trước đây còn trống trải, hôm nay, một ngôi thánh đường uy nghi với tháp chuông vươn cao biểu hiện một sức sống mới cho cộng đoàn trên đảo. Bên phải nhà thờ là nhà xứ với các phòng giáo lý và sinh hoạt khang trang đã được cất lên. Đằng sau nhà thờ là nhà máy nước uống tinh khiết phục người nghèo do Caritas Phan Thiết xây dựng cũng đã hoạt động tốt. Xung quanh nhà thờ, các hộ dân cũng đang rộn ràng trong mùa xây dựng. Với tất cả sự nhiệt tình và khéo léo, anh em trong giáo họ đã dựng nên khu rạp che mát khá đơn giản nhưng xinh xắn bằng bạt và tre phục vụ cho ngày lễ. Toàn khu vực nhà thờ (gần 2.000m2), rực rỡ trong màu sắc của băng rôn chào mừng, cờ Hội Thánh và cờ dân tộc bay phất phới.




Thánh lễ Cung hiến Thánh đường Đảo Phú Quý

Sáng sớm ngày 1-5-2012, bà con giáo dân đã kéo nhau đến để làm việc đã được phân công của mình. Thanh niên thanh nữ vui tươi khi đứng hàng chào danh dự trong ngày lịch sử trọng đại.

Cùng hiện diện chung chia niềm vui với cộng đoàn Công giáo có quý khách từ đất liền, đại diện chính quyền các cấp và tôn giáo bạn cũng đến tham dự lễ.


 

Hơn 20 năm kể từ ngày cộng đoàn Phú Quý nhen nhúm thành lập với vài gia đình, toàn đảo hiện nay có 50 hộ Công giáo với 166 anh chị em giáo dân trên tổng số dân trên đảo là 26 ngàn, trải rộng trong 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Bà con giáo dân hào hứng nói với nói với nhau Lễ Cung hiến Thánh đường hôm nay là “biến cố ngàn năm mới có” trên đảo này.

Nghi thức làm phép đài Đức Mẹ, cắt băng khánh thành và Thánh lễ Cung hiến Nhà thờ Giáo họ Đảo Phú Quý diễn ra lúc 9g00 sáng do Đức Giám mục Giuse chủ sự. Hôm nay cũng là ngày Mừng kính Thánh Giuse Thợ, Bổn mạng Giáo họ. Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Giuse chào mừng toàn thể cộng đoàn và chuyển lời chào thăm - chúc mừng của Đức cha Nicôla và Đức cha Phaolô, cùng tất cả linh mục, tu sĩ, giáo dân trên khắp GP. Phan Thiết đang hướng lòng về đảo nhỏ trong ngày lễ trọng đại này. Tất cả đều là hồng ân của Chúa.

Thánh lễ diễn ra sốt sắng dù trời ban trưa khá nắng và nóng. Trong Thánh lễ, Đức cha Giuse đã ban Phép Thêm Sức cho 12 giáo dân trong họ đạo. Sau phần hiệp lễ, đại diện cộng đoàn Công giáo trên đảo dâng lời tri ân đến Đức cha Giuse, đoàn đồng tế, quan khách, quý ân nhân trong và ngoài nước, chính quyền và nhất là toàn thể đại gia đình Giáo phận Phan Thiết đã luôn lưu tâm đến đoàn chiên nhỏ bé nơi hải đảo xa xôi này bằng nhiều cách trong những năm qua. Giáo họ cám ơn cách đặc biệt Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý TGM Phan Thiết, trong 4 năm đặc trách đã chăm lo cho giáo họ về nhiều mặt mà rõ ràng nhất là công trình xây dựng nhà thờ và nhà xứ. Giáo họ hết lòng cám ơn Cha Quản nhiệm Giuse Nguyễn Thanh Cảnh, quý thầy đã, đang giúp xứ và quý dì Phúc Âm Sự Sống đã trực tiếp xây dựng cho đoàn chiên cả nhà thờ vật chất và đền thờ tâm hồn.


 

Niềm vui còn được kéo dài với Chương trình diễn nguyện - văn nghệ đặc sắc với chủ đề Phú Quý - Niềm Vui Mới khai mạc lúc 19g00 cùng ngày làm rộn ràng cả một góc trời huyện đảo. Từng tiết mục mang đậm nghệ thuật và tính nhân văn với sự diễn xuất hết mình của giáo dân trong Giáo họ Phú Quý, các nữ tu Dòng Phúc Âm Sự Sống, Dòng MTG Phan Thiết, chủng sinh CV Nicôla, ca đoàn Giáo xứ Ma Lâm dưới sự chỉ đạo của Linh mục - Nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt. Các ca sĩ Công giáo tại Sài Gòn như Xuân Trường, Đông Nghi, Diệu Hiền, Hoàng Dung cũng vượt biển góp tiếng hát chúc mừng cộng đoàn trên đảo.

Tâm tình của giáo dân Phú Quý

Ông cụ Nguyên, người cao tuổi nhất trong cộng đoàn Phú Quý nghẹn ngào nói rằng ông đã mãn nguyện vì trước khi nhắm mắt có thể an tâm về đạo nghĩa của con cháu. Với tổng cộng 25 người con cháu, gia đình của ông chiếm 1/6 tổng số giáo dân trên đảo.

Ông John Võ, một Việt kiều Mỹ gốc đảo xa quê 37 năm đã cố gắng sắp xếp công việc để chung vui với giáo họ trong ngày khánh thành nhà thờ. Ông chia sẻ: “Ở xa nhưng lúc nào lòng tôi cũng đau đáu hướng về Phú Quý. Khi biết chính quyền cho phép xây nhà thờ, gia đình tôi và bạn hữu đã cố gắng dành dụm nhiều hơn để gởi về góp gạch góp đá xây thánh đường cho con cháu. Hôm mới về đảo, tôi vội chạy đến nhà thờ. Nhìn thấy nhà thờ đẹp đẽ khanh trang mà tôi vui mừng muốn khóc. Tôi về đây mang theo bao nỗi niềm của những người con đảo Phú Quý phương xa”.

Cô Anna Nguyễn Thị Lý, người có công quy tụ và gầy dựng cộng đoàn Công giáo trên đảo Phú Quý thuở ban đầu, bộc bạch: “Điều ước muốn lớn lao nhất trong đời tôi là khẩn cầu Thiên Chúa cho có một mục tử đến ở giữa đàn chiên trên đảo này. Giờ đây điều đó đã thành hiện thực, tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Cả cộng đoàn đảo Phú Quý xin tạ ơn Chúa và tri ân Đức Giám mục”.

Đến với với đảo nhỏ thân thương, những người khách ở đất liền ghi nhớ hình ảnh một giáo đoàn nhỏ bé nhưng đang dạt dào sức sống trong tinh thần mới với ngôi thánh đường mới để sống làm men, làm muối của Tin Mừng giữa 26.000 cư dân trên đảo. Đức Giêsu Kitô sẽ là thuyền trưởng đưa con thuyền Giáo họ Đảo Phú Quý vượt qua muôn phong ba bão táp trong hành trình đức tin và phát triển về mọi mặt cùng với sự bảo trợ của Thánh Giuse, Quan thầy giáo họ.




Một thoáng lịch sử về Giáo họ Đảo Phú Quý 

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ nằm ở nam Biển Đông. Diện tích tự nhiên 16km2, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Sử sách xưa ghi tên đảo này dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Từ 1844, vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Bây giờ, Phú Quý là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, Giáo họ biệt lập Phú Quý hiện là đứa con ở xa nhất của GP. Phan Thiết. Đảo hiện tại là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với đủ thành phần và sắc tộc, đông nhất là người Kinh. 80% dân đảo theo đạo Phật, trên hòn đảo nhỏ này có tới 5 ngôi chùa lớn và vô số những chùa, am nhỏ.

Gần 20 năm kể từ ngày cộng đoàn Phú Quý nhen nhúm thành lập với vài gia đình, toàn đảo hiện nay có 50 hộ Công giáo với 166 anh chị em giáo dân trên tổng số dân trên đảo là 26 ngàn, trải rộng trong 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải.

Kể về chuyện đạo, các cụ cao niên nơi đây cho biết, năm 1971, người Công giáo đầu tiên đặt chân đến đảo là bà Nguyễn Thị Hường (thường gọi là bà Long), quê ở Đồng Hới. Chồng bà là dân gốc đảo, kết hôn với bà và gia nhập đạo Công giáo, đưa bà về đảo sinh sống. Tuy nhiên, đạo Công giáo chỉ mới phát triển trên đảo này từ năm 1990, khi cô giáo Anna Nguyễn Thị Lý tình nguyện ra đảo dạy học, mang theo gia đình. Là một cựu tu sinh của Dòng MTG Quy Nhơn, cô đã gây dựng và liên kết cộng đoàn vốn rất ít ỏi anh chị em Công giáo trên đảo để nâng đỡ đức tin cho nhau trong hoàn cảnh không có linh mục coi sóc. Cô tìm gặp những người đồng đạo khác như ông Nguyên, ông Rô, bà Long, ông Kính... tạo nên cộng đoàn nhỏ bé vài chục người, cố gắng duy trì, tụ họp nhau mừng các ngày lễ lớn Công giáo. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục GP. Phan Thiết lúc bấy giờ, cũng luôn canh cánh với đứa con nhỏ ở xa. Ngài quan tâm theo dõi và liên lạc với cộng đoàn Phú Quý qua cô Lý. Trên mảnh đất do gia đình cô Lý hiến tặng giáo phận, Đức cha Nicôla đã cho Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng và hai thầy ra xem xét và xây cất một ngôi nhà (khánh thành năm 2000) dành cho việc sinh hoạt của cộng đoàn và giao cho cô Lý coi sóc. Từ đây, mỗi Chúa Nhật, bà con giáo dân quy tụ về để cùng nhau đọc kinh và suy tôn Lời Chúa. Vì hoàn cảnh không có linh mục, cô Lý đã đem hết vốn sống và kiến thức từ những năm tháng học tập trong dòng ra để hướng dẫn Giáo lý và Đức tin cho anh chị em mình. Rồi khi có điều kiện, cô lại đưa họ về Toà Giám mục để lãnh các Bí tích. Là một nhóm giáo dân nhỏ, lại không có linh mục hướng dẫn tâm linh, nhưng cộng đoàn có một sức sống và niềm tin mạnh mẽ, trong tinh thần chia sẻ, nâng đỡ, bao bọc với tha nhân xung quanh.

Mãi đến năm 2007, bà con mới có Thánh lễ Phục Sinh đầu tiên trên đảo do Cha Anrê Lương Vĩnh Phú dâng. Năm 2009, Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý TGM Phan Thiết, được Đức cha Giuse trao nhiệm vụ thay Toà Giám mục chăm lo cộng đoàn Phú Quý. Ngài đã phải bôn ba để xin đất xây dựng nhà thờ. Năm 2011, chính quyền cấp cho giáo họ gần 2000m2 đất xây dựng nhà thờ. Có đất rồi, Cha Sáng lại tiếp tục gửi thư ngỏ đến các giáo xứ trên cả Giáo phận Phan Thiết và đi gõ cửa nhiều nơi để xin kinh phí xây dựng nhà thờ. Ngày 2-5-2012, Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Đảo Phú Quý. Trong thời gian xây dựng nhà giáo lý và nhà thờ đã có Cha Phêrô Nguyễn Minh Triết (lúc đó còn là phó tế), Thầy G.B. Nguyễn Trọng Khiêm và Thầy Phó tế Phaolô Hoàng Văn Tới phụ Cha Sáng coi sóc xây dựng công trình và hướng dẫn đức tin cho cộng đoàn. Tháng 3-2013, khi công trình nhà thờ đã gần hoàn tất, Đức Giám mục cử Cha Giuse Nguyễn Thanh Cảnh ra quản nhiệm giáo họ cho đến hôm nay. 




Người dân đảo vẫn còn giữ được bản sắc của mình thể hiện qua nét hiền hoà, đơn sơ, thân thiện và hiếu khách, sống nghĩa tình đùm bọc nhau. Tâm hồn tươi đẹp của người dân đảo chính là mảnh đất màu mỡ đang chờ những hạt giống Đức tin gieo trồng. Đảo có tiềm năng về tài nguyên biển và ven biển, khoáng sản, các nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, hải sản. Ngoài ra, vùng này còn có thế mạnh về du lịch, thuận lợi giao thông, có cơ sở hạ tầng tốt, tập trung. Chính vì thế, việc một nhà thờ Công giáo hiện diện trên đảo sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển, đáp ứng các nhu cầu và hoạt động xã hội, văn hóa, tinh thần cho người dân trên đảo, cũng như cho khách du lịch và các thuyền nhân ghé lại cảng liên hệ làm ăn, mua bán.

Ngôi Thánh Đường mới với Thánh Giá trên tháp chuông vươn cao biểu hiện Thiên Chúa ở giữa dân Người rồi đây sẽ là một điểm quy chiếu để các ngư dân hướng về xin ơn bình an và trúng được mẻ lưới đầy mỗi khi giong buồm ra khơi đánh bắt hải sản. Và cũng là lời tạ ơn được trở về khi trở về sau một đêm lao động trên biển khơi. Lịch sử của cộng đoàn Công giáo trên Đảo Phú Quý vừa mở ra một trang mới với bao nhiêu hy vọng về tương lai sáng đẹp trong ánh sáng của Thiên Chúa Toàn Năng.

Xem hình ảnh


Hồng Hương

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Sứ điệp gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesak năm 2013: “Yêu thương, bảo vệ và phát triển sự sống con người”



WHĐ (04.05.2013) – “Yêu thương, gìn giữ và phát triển sự sống con người”, đó là chủ đề của sứ điệp Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesak năm 2013 (năm 2556 Phật lịch). Sứ điệp mang chữ ký của Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng, với nội dung:

“Ngay sau khi đảm nhận thừa tác vụ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tái khẳng định sự cần thiết của cuộc đối thoại bằng hữu giữa những tín đồ các tôn giáo khác nhau. Ngài nhắc lại rằng Giáo Hội ý thức rất rõ về trách nhiệm của mọi người đối với thế giới, đối với toàn thể tạo thành mà chúng ta cần phải yêu thương và bảo vệ. Chúng ta có thể làm nhiều điều để giúp đỡ người nghèo đói, người túng quẫn và người đau khổ, để đề cao công lý, cổ vũ sự hoà giải và xây dựng hoà bình.

Sứ điệp nhân Ngày Hoà bình Thế giới năm 2013 cho thấy rằng con đường để đạt tới công ích và hoà bình, trước hết là con đường tôn trọng sự sống của con người trong mọi trạng huống, từ khi còn là bào thai, qua giai đoạn phát triển cho tới cái chết tự nhiên. Vì thế, những ai thực sự xây dựng hoà bình cũng là những người yêu thương, bảo vệ và phát triển sự sống con người trong mọi chiều kích: cá vị, cộng đồng và siêu việt. Sự sống viên mãn là tuyệt đỉnh của hoà bình. Ai yêu chuộng hoà bình thì không thể dung thứ cho những cuộc tấn công và tội ác chống lại hòa bình.

Giáo hội Công giáo thành thực tôn trọng truyền thống tôn giáo quý báu của các bạn. Chúng tôi thường nhận thấy có sự gặp gỡ với những giá trị được diễn tả trong các sách tôn giáo của các bạn, như lòng tôn trọng sự sống, việc thiền định, sự thinh lặng và tính giản dị. Cuộc đối thoại huynh đệ của chúng ta cần cho thấy rằng các Phật tử và Kitô hữu chúng ta cùng chia sẻ một lòng tôn trọng sâu xa đối với sự sống.



Các bạn Phật tử thân mến, giới luật đầu tiên của các bạn dạy là không được sát sinh, và do đó cấm gây nên cái chết cho bản thân và tha nhân. Viên đá góc của nền đạo đức của các bạn là lòng thương yêu thực sự đối với mọi sinh linh.

Người Kitô hữu chúng tôi tin rằng trọng tâm giáo huấn luân lý của Đức Giêsu gồm hai mặt: kính mến Thiên Chúa và yêu thương người đồng loại. Đức Giêsu dạy: Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương các con. Hãy ở trong tình thương của Thầy. Đây là lệnh truyền của Thầy: Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.

Điều răn thứ năm của Kitô giáo ‘Chớ giết người’ rất hòa hợp với giới luật thứ nhất của các bạn. Tuyên ngôn Nostra Aetate (Công đồng Vatican II)  dạy rằng Giáo hội Công giáo không phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo này. Do đó, tôi nghĩ rằng điều khẩn thiết đối với Phật tử cũng như Kitô hữu, dựa trên nền tảng của di sản riêng của hai truyền thống tôn giáo của chúng ta, là tạo lập nên một bầu khí hoà bình để yêu thương, bảo vệ và phát triển sự sống con người.

Tuy nhiên, bất chấp những giáo huấn cao quý này về tính thánh thiêng của sự sống con người, sự ác dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn đang góp phần phi nhân hóa con người bằng cách làm giảm thiểu cảm thức về nhân tính nơi những cá nhân và trong các cộng đồng. Tình trạng bi đát này mời gọi chúng ta chung sức để vạch trần những mối đe dọa chống lại sự sống con người và để thức tỉnh lương tâm đạo đức của các tín đồ hai bên, tạo nên sự phục hưng tinh thần và đạo đức của các cá nhân lẫn xã hội để họ có thể là những nghệ nhân thực sự xây dựng hoà bình, yêu thương, bảo vệ và phát triển sự sống con người trong mọi chiều kích.

Do đó, chúng ta hãy tiếp tục cộng tác với nhau với một tinh thần cảm thông và huynh đệ được đổi mới, để xoa dịu những khổ đau của gia đình nhân loại bằng cách đề cao tính thánh thiêng của sự sống con người.

Chính trong tinh thần này, tôi xin cầu chúc các bạn một lễ Vesak đầy an vui”.

(VIS, 02-05-2013)

Mai Tâm chuyển ngữ
Nguồn: WHĐ
http://www.emty.org/ViewNewsDetail.aspx?mid=450&tabid=68&NewsPK=14133

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô đón vị Tiền Nhiệm trở về Vatican

VATICAN. Chiều ngày 2-5-2013, ĐTC Phanxicô đã đón tiếp vị tiền nhiệm của ngài, Đức Biển Đức 16, trở về Vatican, sau hơn 2 tháng lưu ngụ tại dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo.

Đức nguyên Giáo Hoàng đã rời Vatican đến dinh thự này chiều ngày 28-2-2013, vài giờ trước khi việc từ nhiệm của ngài bắt đầu có hiệu lực. Trong thời gian ở tại đó, ĐTC Phanxicô đã nhiều lần điện thoại thăm hỏi, chúc mừng lễ bổn mạng, và đặc biệt ngài đích thân đến thăm vị tiền nhiệm chiều ngày 23-3 vừa qua.

Đón tiếp Đức nguyên Giáo Hoàng tại sân trực thăng trong nội thành Vatican có 3 HY và 3 GM, đứng đầu là ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐHY Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh và ĐHY Giuseppe Bertello, Thống đốc thành Vatican, Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh, Đức TGM Mamberti ngoại trưởng của Tòa Thánh và Đức Cha Giuseppe Sciacca, Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Vatican.

Tiếp đến, Đức Biển Đức 16 dùng xe về Đan viện, cách đó vài trăm mét. Tại đây ngài được ĐTC Phanxicô tiếp đón ”một cách rất thân mật và huynh đệ”. Sau đó hai vị cùng cầu nguyện một lát trong nhà nguyện của Đan viện.


Trong thời gian qua, Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican đã được tu bổ. Đức Biển Đức 16 đã đáp trực thăng từ Castel về đến Vatican khoảng 5 giờ chiều. Ngài được ĐTC Phanxicô tiếp đón và tháp tùng về Đan Viện Mẹ Thiên Chúa. Đan viện ở trung tâm thành Vatican, được Đức Gioan Phaolô 2 thành lập hồi năm 1994 cho các nữ đan sĩ thuộc các dòng khác nhau, đến cư ngụ tại đây với mục đích cầu nguyện, nâng đỡ sứ vụ của Đức giáo Hoàng phục vụ toàn thể Giáo Hội.

Trong 18 năm qua, cho đến 2012, đã có các nữ đan sĩ dòng thánh Clara, Camêlô nhặt phép, Biển Đức và dòng Thăm Viếng, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, lần lượt cư ngụ trong Đan viện Mẹ Giáo Hội.

Mẹ Maria Sofia Cichetti, thuộc dòng Biển Đức, Bề trên Đan viện Mẹ Giáo Hội, kể lại với ký giả Nicola Gori rằng: ”Hồi năm 2008, khi ĐGH Biển Đến đến thăm chúng tôi lần đầu tiên, với lòng rất khiêm tốn và nỗi đau khổ hiền phụ, ngài xin chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho ngài và nói rằng ”Thánh giá mà Giáo Hoàng phải vác thật là nặng nề, vì thế một mình tôi không thể vác nổi. Tôi cần sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội, và đặc biệt là của chị em là những người có sứ mạng đặc thù này”.

5 năm sau lời tuyên bố đó, nay Đức Biển Đức 16 đã quyết định trực tiếp lãnh nhận sứ mạng đặc thù ấy trên vai. Từ Đan viện này nơi mà bao lời cầu nguyện được dâng lên Chúa cho ngài, nay chính ngài cầu nguyện cho Vị Kế nhiệm và cho toàn thể Giáo Hội”.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với giới báo chí rằng ”Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 vui mừng trở về Vatican, tại nơi mà ngài muốn tận tụy phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện, như chính ngài đã loan báo ngày 11-2-2013”. Cha xác nhận rằng cùng cư ngụ với Đức Biển Đức 16 tại Đan viện Mẹ Thiên Chúa có Đức TGM Georg Gaensweine, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, bí thư của Đức nguyên Giáo Hoàng và 4 chị thuộc tu hội Memores Domini (nhớ Chúa) vốn thuộc gia đình Giáo Hoàng trong những năm gần đây (SD 2-5-2013)