Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Học viện Công giáo Việt Nam: Hạt giống nẩy mầm


20.09.2016
Sáng ngày 14/9, với châm ngôn: “Thánh giá là tột đỉnh của sự khôn ngoan” (x. 1Cr 1, 17-25), Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) chính thức khai giảng năm học mới 2016-2017 tại trụ sở văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM.
Đây là lễ khai giảng của Khóa Cao Học Thần học, thành phần tham dự là giáo sư và sinh viên cùng với một số nhỏ khách mời là Đấng Bản Quyền của các sinh viên.
Trước giờ khai mạc, lúc 8 giờ 30, tại Hội trường lầu 2 diễn ra cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các giáo sư và sinh viên. Linh mục giáo sư Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ đã cho biết rằng các sinh viên đang hiện diện là những linh mục và tu sĩ đã hoàn tất chương trình Triết học và Thần học tại các Đại chủng viện và các Học viện liên dòng (một số nhỏ đã có cử nhân thần học). Ngoài ra cũng có các nữ tu ghi danh nhưng họ còn thiếu một số môn học cần thiết theo yêu cầu của Học viện. Hy vọng trong tương lai Học viện sẽ có chương trình giúp các nữ tu bổ túc các các môn học này để họ có thể theo học tại trường.
Năm đầu tiên này được gọi là năm chuẩn bị, chú trọng đến sinh ngữ và cổ ngữ, là năm để sinh viên nhận văn bằng cử nhân với điều kiện vượt qua được kỳ thi cuối khóa (cho các sinh viên chưa có bằng cử nhân thần học). Sau khi nhận văn bằng cử nhân, các sinh viên sẽ vào chương trình học chuyên ngành.
Sau khi tốt nghiệp từ HVCGVN, những sinh viên này có thể tham gia giảng dạy tại các Đại Chủng viện. Ước mơ của Ban Giảng huấn là HVCGVN có thể cung cấp thêm giáo sư cho các Đại Chủng viện, và ước mong trong tương lai các sinh viên sẽ là những người có khả năng suy tư, đóng góp cho nền thần học tại Việt Nam cũng như trong khu vực Á Châu.
Linh mục giáo sư Louis Nguyễn Anh Tuấn cũng chia sẻ, “Trước tiên, việc mở Học viện Công giáo tại Việt Nam nhằm hướng tới việc hội nhập văn hóa trong tư tưởng. Nếu học ở nước ngoài chúng ta dễ có khuynh hướng suy tư theo nền văn hóa nước bạn, trong khi đó, việc truyền giáo tại Việt Nam thì cần chúng ta hội nhập văn hóa Việt Nam; thứ hai là về lý do kinh tế, chúng ta sẽ bớt được chi phí cho việc đi học ở nước ngoài, nhưng chất lượng ngang tầm, vì ở đây Tòa Thánh cũng đòi hỏi tiêu chuẩn bằng với các phân khoa Thần học Giáo hoàng trên thế giới. Hoài bão đã thành hiện thực thì chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cảm ơn Giáo hội.” 
Các Giáo sư và sinh viên giao lưu
Thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Trường Tú, SSS có đặt vấn đề về phương pháp học mà các sinh viên sẽ nhận được nơi các giáo sư. Trả lời cho thắc mắc này, Nữ tu giáo sư Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, SM cho biết phương pháp học chắc chắn không thể đi một chiều từ giáo sư đến sinh viên, nghĩa là giáo sư dạy, cho bài, và khi thi sinh viên trả bài. Trong chương trình cao học, ngoài việc giảng dạy của các giáo sư, sinh viên phải có những suy tư và phương pháp học cho riêng mình. Hơn nữa, Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ cũng nhấn mạnh thêm là các sinh viên phải chú trọng đến sinh ngữ để tiếp cận được những tài liệu; tuy thư viện chưa có nhiều sách nhưng các giáo sư sẽ sẵn sàng cho sinh viên mượn các tài liệu học để sao chép.
Đúng 9 giờ 15 quý giáo sư và sinh viên chào đón quý Đức Giám mục (ĐGM) cùng quý khách.
Mở đầu nghi thức khai giảng, Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu xin Chúa thánh hóa buổi lễ. Tiếp theo Nữ tu Maria Hoàng Thị Minh Trí, MTG Gò Vấp trân trọng chào mừng và giới thiệu quý ĐGM và quý khách. Đến dự buổi khai giảng có Đức Tổng Giám mục  Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, Chưởng ấn Học viện Công Giáo; ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo, Viện trưởng Học viện; ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục GP Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký HĐGMVN; ĐGMĐaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục GP Xuân Lộc; ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục GP Quy Nhơn và ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục GP Cần Thơ; Đức ông Giuse Mai Đức Vinh và quý Bề trên Dòng có sinh viên của HVCG. Thành phần ban giáo sư hiện gồm có: LM Louis Nguyễn Anh Tuấn; LM Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS; LM Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ; LM Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM; LM Giuse Tạ Huy Hoàng; LM Phêrô Hà Hương Giang; LM Giuse Lưu Quang Bảo Vinh, CSsR và Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, SM…
Sau phần giới thiệu, ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo, Viện trưởng Học viện tóm lược những bước hình thành HVCGVN, và ngài nhắc lại mục đích của HVCGVN là, “Đứng trước những hoàn cảnh của thời đại, nhất là hai hoàn cảnh sau đây: người Công giáo Việt Nam tiếp xúc với rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống khác nhau. Những tư tưởng và nếp sống đó có thể đóng góp cho việc hiểu và sống Tin mừng được sâu đậm và phong phú hơn, nhưng cũng có thể gây ra những khó khăn, nghi nan về nếp sống theo Tin mừng hay về chính Tin mừng của Chúa; đồng thời, cuộc sống của con người Việt Nam đang dần chuyển biến từ nếp sống có tính cách gia đình và cộng đoàn sang nếp sống mang đậm tính cá nhân, nên truyền thống và tập tục sống đạo sẽ không đủ để nâng đỡ đời sống Đức Tin của các tín hữu, mà còn cần có sự hiểu biết và xác tín cá nhân của mỗi tín hữu nữa. Do đó, HVCGVN sẽ góp phần vào nỗ lực nâng cao kiến thức và khả năng thần học của mọi thành phần Dân Chúa.”
Bên cạnh đó, “việc thành lập HVCGVN còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác là xác nhận sự trưởng thành của GHCGVN. Và qua HVCG, GHCGVN sẽ có cơ hội đóng góp với Giáo hội Hoàn vũ những suy tư về Đức Tin và về những kinh nghiệm sống Đức Tin của mình. Vì tuy cùng một Đức Tin, nhưng Đức Tin sẽ được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo sắc thái văn hóa và hoàn cảnh sống riêng biệt của mình.”
Ngài cũng cho biết, “Đặc tính của HVCGVN là tinh thần hiệp nhất, biết quy tụ những yếu tố khác biệt và biến chúng thành yếu tố bổ túc cho nhau, làm cho tất cả được thêm phong phú, bởi HVCGVN là kết quả của sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa; Ban Giảng huấn và sinh viên cũng thuộc nhiều giáo phận, nhiều Dòng tu. Ngoài ra, Học viện cũng có chương trình mời một số vị thỉnh giảng từ các Đại học Quốc tế và liên kết với các Đại học Quốc tế cho một số chương trình cụ thể.” Cuối cùng, ngài nói lên “ước mơ của Giáo hội Công giáo Việt Nam là Học viện sẽ là Đại học Công giáo được tham dự vào việc giáo dục ở các ngành khác ngoài Thần học; Học viện sẽ có uy tín trên thế giới và mở rộng để phục vụ các Giáo hội địa phương trong khu vực.”  
 
Đức Cha Giuse giới thiệu Ban Giáo sư
Tiếp theo, Đức Tổng Phaolô bày tỏ niềm vui mừng khi ước mơ đã được hình thành và hy vọng Học viện sẽ đạt được hiệu quả tốt đẹp và ngài tuyên bố khai mạc Khóa học Cao học Thần học của HVCGVN.
 
Đức Tổng Phaolô tuyên bố khai mạc năm học mới
Sau đó, mọi người cùng tiến lên lầu 6 tham dự Thánh lễ Tạ ơn và dâng năm học mới cho Thiên Chúa. Trong bài giảng Đức Tổng Phaolô kêu gọi tất cả cầu nguyện cho Đức Cha Viện trưởng, cho các sinh viên đầu tiên của trường, “xin Thiên Chúa chúc phúc cho những nỗ lực và thiện chí của mọi người. Xin cho mọi sự được xuôi chảy từ lúc ban đầu. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi người, mọi công việc trong Học viện.” Ngài đặc biệt vui mừng khi HVCGVN chọn ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá là ngày khai giảng năm học, vì “mọi người Công giáo đều phải theo con đường thập giá của Đức Kitô là con đường dẫn từ thập giá đến vinh quang. Học viện của chúng ta chắc chắn phải trải qua con đường thập giá, con đường rất chông gai và đầy dẫy những khó khăn để cuối cùng mới có thể đạt được những thành công. Và khó khăn đầu tiên là khó khăn về tài chánh. Chúng ta bắt đầu từ con số không: không đất đai, không nhà cửa. Học viện trên nguyên tắc là có nhiều giáo sư nhưng nếu không có thù lao thì liệu các giáo sư với bằng tiến sĩ có thể dạy thiện nguyện mãi được không? Tôi nói lên khó khăn này không để chúng ta nản chí nhưng để chúng ta cầu nguyện cho Đức Cha Viện trưởng, để chúng ta cùng vượt qua được khó khăn đó và Học viện của chúng ta sẽ trở thành nơi uy tín quốc nội và quốc tế.”
Sau bài giảng Ban Giáo sư cùng tuyên xưng đức tin theo Giáo Luật với tư cách là thầy dạy Đức Tin.
Thánh lễ Tạ ơn kết thúc lúc 11giờ. Quý Đức Giám mục, quý khách, các giáo sư và các sinh viên cùng tham gia bữa ăn Agape trong bầu khí thân mật.
Như đã biết, 14.9.2015 Bộ Giáo Dục Công Giáo Tòa Thánh ký sắc lệnh Thành lập HVCGVN nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức thần học và mục vụ của các thành phần Dân Chúa. Văn bằng Thần học được HVCGVN cấp sẽ có giá trị như văn bằng Thần học của các phân khoa Thần học trên thế giới.
 
Thi tuyển ngày 5 và 6/7/2016
Vào hai ngày 5 và 6 tháng 07. 2016 vừa qua, đã có 37 thí sinh dự tuyển vào chương trình cao học của HVCG và có 23 thí sinh đã trúng tuyển. Những sinh viên này là các linh mục và tu sĩ thuộc các giáo phận Hải Phòng (1 sinh viên), Bùi Chu (1 sinh viên), Quy Nhơn (2 sinh viên), Nha Trang (2 sinh viên), Buôn Mê Thuột (1 sinh viên), Xuân Lộc (4 sinh viên), Bà Rịa (3 sinh viên), Mỹ Tho (1 sinh viên), Cần Thơ (2 sinh viên), Long Xuyên (1 sinh viên), và các dòng tu: Dòng Thánh Thể (2 sinh viên), Dòng Thánh Gia (1 sinh viên), Hội Thừa Sai Việt Nam (1 sinh viên), và Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam (1 sinh viên). Năm học 2016-2017 của HVCGVN bắt đầu với Khóa Cao học Thần học với hai chuyên ngành: Thần học Thánh kinh và Thần học Tín lý. Các sinh viên bắt đầu học chính thức vào ngày 15.09.2016.  
 
Buổi học sau ngày khai giảng
Một điều đáng trân trọng là trong số các sinh viên theo học, có linh mục Phaolô Phạm Minh Tân là người lớn tuổi nhất (45 tuổi). Ngài đã làm cha chánh xứ tại Giáo xứ Long Hương (Bà Rịa) được 9 năm, nhưng ngài nghĩ sự hiểu biết về Chúa thì vô hạn, “nếu mình càng học biết về Chúa, về Thánh kinh, về Giáo hội thì càng thêm yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội, ngài sẽ phục vụ tốt hơn.”
Trong vai trò phụ trách chương trình Anh ngữ của HVCGVN, Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng cũng bày tỏ những suy tư về việc Anh ngữ góp phần vào giấc mơ-hiện thực:
Theo “Lịch các môn học trong Năm Chuẩn Bị” của Chương trình Cao Học Thần Học thuộc Học viện Công Giáo Việt Nam, có một số môn học được đánh giá là hết sức cần thiết để giúp sinh viên chuẩn bị cho năm học sắp tới: Giải thích Thánh Kinh, Thần học Căn Bản, Seminar Cựu Ước, Thần học Phao-lô, Lịch sử Thần Học, Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Seminar Tín Lý, Phương pháp Nghiên Cứu…. Bên cạnh đó, ở cả hai ngành Thần học Thánh Kinh và Thần học Tín Lý, các môn ngoại ngữ (cả sinh ngữ lẫn cổ ngữ) rất được chú trọng.
Trong số các môn ngoại ngữ này, Anh ngữ có một vị trí đặc biệt. Bởi lẽ rất tự nhiên, hầu hết các môn học ở trình độ “sau đại học” (graduate studies) này thường đòi buộc sinh viên phải làm việc trên các văn bản tiếng nước ngoài (mà hiện nay, tài liệu học tập bằng Anh ngữ đối với các môn học “chuyên ngành nhà đạo” xem ra không đến nỗi thiếu thốn; thật ra, có thể nói là khá phong phú). Vì thế, không chỉ là kỹ năng tốt trong “nghe-nói” tiếng Anh của sinh viên (với các giáo sư, các bạn đồng môn…) mà cả kỹ năng tốt trong “đọc-viết” bằng tiếng Anh (để làm bài, để nghiên cứu…) sẽ giúp sinh viên hoàn tất tốt hơn những yêu cầu của các môn học.
Năng lực Anh ngữ của quý cha, quý thầy tân sinh viên năm nay được Đại học Thánh Gia (Holy Family University, Philadelphia, USA) phân chia thành ba cấp độ, để tiện việc quý tân sinh viên này được bồi dưỡng thêm: (1) Introductory level (5 sinh viên), (2) Intermediate level (8 sinh viên), và (3) Advanced level (10 sinh viên). Hăng hái phục vụ trong cương vị và khả năng của mình, quý giáo sư “chính gốc tiếng Anh” cùng với quý giáo sư người Việt đã và đang phụ trách việc bồi dưỡng tiếng Anh cho các vị sinh viên theo ba cấp độ nêu trên.
Vây nói tóm lại, theo tinh thần của quý đức cha, quý cha, quý bề trên hữu trách… trong Thánh lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học tại Nhà nguyện Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (72/12 Trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. HCM) vừa qua (14-9-2016), các lớp Anh ngữ cũng đang góp phần mình vào “giấc mơ của HĐGMVN về Đại Học Công Giáo... (thực sự đã và đang) … chính thức thành hình trong những bước đầu”.[1] Rất vui mừng. Rất nhiều hy vọng. Ước mơ đang rõ dần những nét hiện thực.
 “Thánh giá là tột đỉnh của sự khôn ngoan”, thật vậy, dưới bóng Thánh Giá, những cố gắng của HĐGMVN trong việc xây dựng Học viện Công Giáo tại nước nhà và những nỗ lực dấn thân của Ban Giảng huấn cho Học viện, tất cả như những bông hoa thật đẹp dưới chân Thánh Giá. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn thử thách, những vị thầy vẫn luôn quảng đại từng bước dìu dắt, chia sẻ sự hiểu biết để những sinh viên có thể lãnh hội và khám phá được nguồn tri thức, hầu cùng nhau xây dựng Hội thánh Việt Nam. Nguyện xin tình yêu của Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá luôn đồng hành và nâng đỡ mọi thành viên của HVCGVN, để tất cả cùng nhau rao truyền Danh Chúa cho khắp muôn người.


[1] Đinh Đức Đạo, Viễn tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam (Bài phát biểu trong Thánh lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học ngày 14-9-2016, tại Nhà nguyện Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (72/12 Trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. HCM).


  Ban Thư ký HVCGVN
--------------------- 
Nguồn: http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12948
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét