Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin


11/26/2013 9:19:37 AMVATICĂNG: Hôm 25-11-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Nga ông Vladimir Putin. Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế trong đó có chiến tranh Siria.

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-2.jpg
AFP Photo/Claudio Peri


Đây là lần thứ tư tổng thống Vladimir Putin viếng thăm Tòa Thánh. Hai lần đầu vào năm 2000 và 2003 dưới thời Đức Gioan Phaolô II, lần thứ ba năm 2007 dưới thời Đức Biển Đức XVI.

Trong hội nghị thượng đỉnh của khối G20 tại San Pietroburgo đầu tháng 9 năm nay 2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho tổng thống Putin và giới lãnh đạo tham dự hội nghị một bức thư yêu cầu các cường quốc đừng ”bất động trước các thảm cảnh mà dân tộc Siria yêu dấu đã phải sống qúa lâu rồi, và có nguy cơ đem lại các khổ đau mới cho một vùng đất đã bị quá nhiều thử thách và cần có hòa bình”. Trong thư Đức Thánh Cha nhắc tới các nỗ lực và cam kết của các cường quốc thăng tiến kinh tế tài chánh và cuộc sống cho mọi dân tộc toàn thế giới. Nhưng các xung khắc vũ trang luôn là sự khước từ mọi thỏa thuận quốc tế, tạo ra các chia rẽ sâu xa và các vết thương rách nát đòi hỏi phải có nhiều năm mới lành được. Các cuộc chiến là sự khước từ cụ thể dấn thân đạt các mục tiêu kinh tế và xã hội, mà cộng đồng quốc tế đề ra, như các mục tiêu phát triển của Ngàn năm mới. Rất tiếc là các xung khắc vũ trang đang còn gây khổ đau trên thế giới cho chúng ta thấy mỗi ngày một hình ảnh thê thảm của bần cùng, đói khát, bệnh tật và chết chóc. Thật thế, không có hòa bình thì không có loại phát triển kinh tế nào cả. Bạo lực không bao giờ dẫn tới hòa bình là điều kiện cần thiết cho sự phát triển ấy.

Cuộc họp của các quốc trưởng và chính quyền của 20 nước kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 2 phần 3 dân số và 90% tổng sản lượng toàn cầu không có mục đích an ninh quốc tế. Tuy nhiên, không thể không suy tư về tình hình vùng Trung Đông và đặc biết tại Siria. Rất tiếc phải đau lòng mà nhận ra rằng có quá nhiều lợi lộc đã thắng thế, kể từ khi cuộc xung khắc bên Siria bắt đầu, ngăn cản tìm ra một giải pháp giúp tránh cuộc tàn sát vô ích mà chúng ta đang chứng kiến.

Tổng thống Putin cũng đã hội kiến với Đức Tổng Giám Mục Mục Pietro Parolin, Tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.11.2013/ SD 25-11-2013)


PopeFrancis-Putin-25Nov2013-12.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-13.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-8.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-9.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-10.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-7.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-1.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-14.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-3.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-6.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-4.jpg

PopeFrancis-Putin-25Nov2013-5.jpg

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Ba giải pháp giúp người ly hôn được phép rước lễ trở lại


11/7/2013 9:00:45 PMCác giải pháp khả thi dành cho vấn đề rắc rối này
HonPhoi.jpg

Trong khi những tháng đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh cha Phanxicô nổi bật qua việc ngài chú ý đến người nghèo và thái độ “Tôi là ai mà phán xét” của ngài về vấn đề đồng tính, cam kết thảo luận luật cấm rước lễ đối với người Công giáo ly hôn và tái hôn có thể có ảnh hướng lớn nhất đối với người Công giáo, đặc biệt là tại Mỹ.

Chính sách hiện nay gây ra “sự ly khai thầm lặng”, theo một số người và các giám mục trên thế giới thừa nhận điều cấm này khiến vô số người Công giáo và gia đình họ bị gạt ra ngoài Giáo hội.

Vì thế liệu vấn đề nan giải này cuối cùng có được giải quyết không? Và bằng cách nào? Có ba giải pháp khả thi như sau:

Một: “Lựa chọn theo Chính thống”

Chính Đức Phanxicô đã viện dẫn cách làm trong các Giáo hội Chính thống Đông phương cho phép kết hôn lần hai, thậm chí lần ba vì nhiều lý do khác nhau – và do đó được phép rước lễ, trong khi vẫn xem cuộc hôn nhân đầu tiên có giá trị về mặt bí tích. Chấp nhận việc làm như thế cần có sự thay đổi trong việc hành đạo của người Công giáo nhưng có thể giúp tránh được chướng ngại vật mục vụ hiện nay.

“Sẽ có quan điểm đồng cảm nơi hầu hết giáo dân, giáo sĩ và giám mục về một việc như thế”, Đức Giám mục Kieran Conry của Arundel và Brighton phát biểu với tờ The Times of London.

Hai: Hãy để lương tâm hướng dẫn

Người Công giáo luôn nhờ đến cái được gọi là “tòa án lương tâm”, đó là xét theo lương tâm họ có được phép rước lễ hay không ngay cả khi họ đang trong tình trạng hôn nhân “ngăn trở”.

Điều này không có nghĩa là “tự do” và đòi hỏi “xét đoán lương tâm về mặt đạo đức cần có tư duy cá nhân nghiêm túc qua một thời gian”, như linh mục James A. Coriden, luật sư giáo luật tại Hội Thần học Washington, nói trong bài phân tích chi tiết trên tạp chí Commonweal năm ngoái.

Nhưng nếu Thượng Hội đồng giám mục Vatican vào tháng 10 năm sau nhấn mạnh đến lựa chọn “tòa án lương tâm”, các chuyên gia Giáo hội nói có thể còn lâu mới hướng tới giáo huấn người Công giáo để lương tâm có thể hoạt động như thế nào, và có thể giúp người Công giáo tái hôn tham gia đời sống Giáo hội mà không có cảm giác xem mình là công dân hạng hai.

Ba: Hợp thức hóa việc hủy bỏ bí tích hôn nhân

Hủy bỏ một cuộc hôn nhân trong tòa án Giáo hội có thể là quá trình quanh co gây bất lợi và rất khác nhau ở mỗi nước, dẫn đến những vấn đề về tính công bằng cơ bản. Trên thực tế, 2/3 trong số gần 55.000 vụ hủy bỏ bí tích hôn nhân được các tòa án Giáo hội trên thế giới cho phép mỗi năm nằm ở Mỹ, mặc dù người Công giáo Mỹ chỉ chiếm 6% số người Công giáo trên thế giới.
Như chính Đức Phanxicô nói quá trình hủy bỏ bí tích hôn phối cần được xem xét lại “vì các tòa án Giáo hội không có đủ thẩm quyền”.

Trong khi các giám mục nhóm họp vào mùa thu tới có thể chọn cách chấp nhận một hay nhiều hơn trong số ba giải pháp này, cũng có những xu hướng mạnh mẽ duy trì hiện trạng.

Chẳng hạn, các viên chức Rôma đã nhiều năm cố hạn chế việc hủy bỏ bí tích hôn phối, chứ không mở rộng, họ nói rằng các tòa án, đặc biệt là ở Mỹ, cho phép hủy bỏ quá dễ dàng.

Một dấu hiệu cảnh báo nữa đó là giữa lúc ngày càng có nhiều suy đoán đang có thay đổi, viên chức cấp cao về giáo lý của Vatican là Đức Tổng Giám mục Gerhard Mueller cho đăng bài báo dài trên tờ báo Vatican hôm 22-10 hoàn toàn nghi ngờ về triển vọng cải cách.


(UCAN 07.11.2013/ David GibsonReligion News Service)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

ĐGM Giáo phận Kontum Micae Hoàng Đức Oanh thăm giáo dân Chicago




Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, đã đến thăm giáo dân Chicago từ ngày 25 đến 27 tháng 10 năm 2013. Trong thời gian ở Chicago, ngài đã dâng Thánh lễ Chúa Nhật và chia sẻ Lời Chúa ngày 27 tháng 10 năm 2013 tại Cộng đoàn Công giáo Mân Côi Chicago. Ngài cũng dâng Thánh lễ tạ ơn gia đình cho giáo dân và hội thoại với một số linh mục về tu đức và mục vụ. Hội diện với một số linh mục và giáo dân chiều ngày 27-10, Đức cha Micae đã chia sẻ một vài suy tư của ngài.

1) Người Công giáo Việt Nam “giữ đạo” rất tốt so với giáo dân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng việc “truyền đạo” thì chưa được bao nhiêu.

2) Người Công giáo Việt Nam rất sốt sắng và quảng đại trong việc “xin lễ” các linh mục so với giáo dân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng việc xin các tu sĩ nam nữ “cầu nguyện” cho mình thì cần được thể hiện nhiều hơn. 

3) Cần xây dựng “đền thờ tâm hồn” vững chắc trước khi xây dựng “nhà thờ xứ đạo” to lớn và hoành tráng.

4) Giáo hội, giáo xứ và giáo sĩ Công giáo cần sống đơn giảnkhó nghèokhiêm hạ và yêu thươngnhư gương sống và lời giáo huấn của ĐGH Phanxicô.


Hình trên: Đức cha Micae dâng Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa tại Cộng đồng Công giáo Mân Côi Chicago ngày 27-10-2013.
Hình dưới: Đức cha Micae yêu thích được hoà mình với giáo dân để chia sẻ những suy tư thánh thiện về giáo hội và giáo xứ.

Theo Bách khoa Từ điển mở Wikipedia, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh sinh ngày 23 tháng 10 năm 1938 tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Ngài theo học Chủng viện Pio XII tại Hà Nội từ năm 1952 đến 1954. Sau Hiệp định Genève 1954, Đức cha di cư vào miền Nam và tiếp tục theo học tại Chủng viện Pio XII tại Chợ Lớn (Sài Gòn) từ năm 1954 đến 1960. Mãn tiểu chủng viện, vì là một chủng sinh ưu tú và xuất sắc nên ngài được tuyển chọn để theo học triết học và thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt từ năm 1960 đến 1969, tốt nghiệp với văn bằng Cử nhân Thần học.
 
Ngày 22 tháng 12 năm 1968, ngài được thụ phong linh mục và gia nhập vào Giáo phận Kontum. Ngoài việc là Linh mục Chánh xứ, ngài còn làm Hiệu trưởng Trường học, Giáo sư Tiểu Chủng viện. Từ năm 1996, ngài được tuyển chọn làm Tổng Đại diện của Giáo phận Kontum.
 
Ngày 16 tháng 7 năm 2003, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính toà Giáo phận Kontum. Nghi lễ tấn phong Giám mục được cử hành ngày 28 tháng 8 năm 2003 tại Nhà thờ Chính toà Kontum.
 
Được biết, Miền Truyền giáo Kontum được thành lập cách nay 165 năm (1848-2013), Hội Giáo Phu Kontum đã hoạt động cách nay 105 năm (1908-2013) và Giáo phận Kontum được thiết lập chính thức từ năm 1932. Hiện nay, Giáo phận Kontum có trên 85.000 giáo dân người Kinh và trên 170.000 giáo dân người Thượng dưới sự hướng dẫn tinh thần của 120 linh mục (dòng và triều) và gần 700 tu sĩ nam nữ, cùng với sự lãnh đạo thánh thiện, khiêm nhu và minh mẫn của ĐGM Giáo phận Micae.

Khi được hỏi về ưu tiên hoạt động của Giáo phận Kontum trong giai đoạn hiện tại, Đức cha Micae cho biết:
 
* Ưu tiên 1: Đời sống tinh thần (như nhân bản, tâm linh, tri thức, mục vụ).

* Ưu tiên 2: Đời sống thể chất (như tìm cách để tất cả giáo dân cột trụ của gia đình đều có công ăn việc làm ổn định).
* Ưu tiên 3: Xây dựng cơ sở (như nhà thờ, trường giáo lý, ký túc xá,...).

Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Trung Hiếu đã đến tiễn biệt ĐGM Micae tại phi trường O"Hare Chicago sau Thánh lễ gia đình do Đức cha chủ sự lúc 6 giờ sáng ngày 28/10/2013. Trong dịp này, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đã kính lời cám ơn Đức cha đến thăm giáo dân Chicago và ước mong được đón tiếp ngài trở lại trong dịp lễ kính Đức Mẹ La Vang vào cuối tháng 7 năm 2014.

Đoàn Nhân Ái