Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Hội Đồng Giám Mục Nigeria: Đúng 100 năm sau biến cố Fatima, phép lạ mặt trời múa dường như đã tái diễn tại Benin City

Ngày 13 tháng 10, năm 1917 Ðức Mẹ đã hiện ra lần thứ sáu với ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha. Buổi sáng sớm ngày 13/10, đám đông lên đến 70,000 người đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Trong lần hiện ra này, Mẹ cảnh cáo: “Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi” và Mẹ hứa rằng nước Nga sẽ trở lại. Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời...”


Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút.

Andrea Tornielli, ký giả kỳ cựu của tờ Vatican Insider, trong bài 
Nigeria, faithful see the “miracle of the sun” like in Fatima - Nigeria, các tín hữu thấy “phép lạ mặt trời” như tại Fatima, cho biết điều tương tự dường như đã xảy ra ở Benin City, Nigeria, nhân dịp các Giám Mục nước này tái thánh hiến đất nước cho Đức Mẹ.


Khi thông báo quyết định cử hành nghi thức tái thánh hiến Nigeria cho Đức Mẹ, các Giám Mục nhận định rằng Nigeria đang trải qua “một giai đoạn ghi dấu bởi những căng thẳng, bất an và một cảm giác thất vọng và bất mãn”. Có những vấn đề về cơ chế, trong đó người ta áp dụng các quy định của pháp luật một cách “có chọn lọc”, sự phân phối không đồng đều các tài nguyên, cũng như tình trạng tham nhũng trắng trợn mà không bị trừng phạt.

Sáng ngày 13 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Ayau Kaigama, của tổng giáo phận Jos, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã chủ sự thánh lễ tái thánh hiến Nigeria cho Đức Mẹ, cùng với 53 giám mục, hơn một ngàn linh mục, hai ngàn tu sĩ nam nữ và khoảng 55 ngàn tín hữu.

Sau buổi lễ, một cơn mưa nặng hạt đổ xuống đám đông. Tiếp đến, mặt trời ló dạng, rồi thay đổi màu sắc và “nhảy múa”. Theo cha Chris N. Anyanwu, giám đốc truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Nigeria - hiện tượng bất thường này đã làm vui mừng con tim của những người hành hương hiện diện tại buổi lễ. Nhiều người trong số họ, qua các phương tiện truyền thông của Nigeria và quốc tế đã chứng thực những gì họ thấy, trong sự liên hệ với kinh nghiệm đã diễn ra tại Fatima vào năm 1917.

Sau một thời gian suy tư và phân định, cũng như tham khảo với Vatican, các Giám Mục Nigeria quyết định đăng lên trang Web của mình những gì đã xảy ra tại Benin City và tiếp tục tham khảo ý kiến của Tòa Thánh trước khi chính thức công bố đây là một phép lạ.


(Đặng Tự Do, vietcatholic 18.11.2017)
----------------- 
BẢN TIN TỪ VATICAN INSIDER

Nigeria, faithful see the “miracle of the sun” like in Fatima - ANDREA TORNIELLI

Over 50 thousand people, together with all the bishops, participated in the country's re-consecration prayer to Our Lady: the phenomenon of solar dance considered a “confirmation”


An image of the solar phenomenon witnessed by many faithful in Benin City


ROME
Exactly one hundred years have passed since the famous experience that took place during the last Marian apparition of Fatima, on 13 October 1917, when immediately after the three shepherdesses had seen Our Lady, a crowd of seventy thousand people flocked to the Cova from Iria during a violent rainstorm and witnessed the "miracle of the sun”, as they watched, with their naked eye, the star that seemed to come closer, change color and dance around the sky. Several non-believers also witnessed that "miracle", such as the news-reporter of a professed secularist newspaper. Now something similar seems to have happened in Benin City, Nigeria, on the occasion of the re-consecration of the country wanted by the bishops. In communicating the decision, the bishops recalled that Nigeria is going through "a period marked by tensions, unrest and a general sense of despair and dissatisfaction". There are institutional problems, “cases of selective application of the rule of law”, as well as unequal distribution of resources, corruption and impunity.  
  
On the morning of October 13th, at the re-consecration ceremony, led by the Archbishop of Jos, Ignatius Ayau Kaigama, president of the Nigerian Episcopal Conference, 53 bishops took part together with more than a thousand priests, two thousand religious and about 55 thousand faithful. In the afternoon, after the celebration, the witnesses tell us, there was a heavy downpour followed by the appearance of the sun changing color and "dancing". According to father Chris N. Anyanwu, director of the episcopate's social communications - this unusual phenomenon rejoiced the hearts of the pilgrims present at the celebration and many of them have attested that what they saw, recalls the experience of Fatima in 1917. Certainly, the great joy of the participants in seeing these signs showed thorough the enthusiasm of their faith that Nigeria will no longer be the same".  
  
The testimonies have been reported on the Facebook page of the Episcopal Conference and this has led to the thought of an explicit form of recognition of the event. However, that web space cannot be considered an official expression of the episcopate and there are no statements in this regard. The bishops took note of the account of the faithful and saw them rejoice for their experience. At a time when only negative news arrives from Nigeria - from the scourge of fundamentalist Islamist terrorism to abductions such as that of Italian priest Maurizio Pallù, who has been recently released - the solar phenomenon at the end of the storm has drawn attention to the act of consecration to Mary decided by the bishops of the country.  
---------------------- 
Nguồn: http://www.lastampa.it/2017/10/22/vaticaninsider/eng/world-news/nigeria-faithful-see-the-miracle-of-the-sun-like-in-fatima-x4vwOtGqpL8JwF3OyToYfI/pagina.html
http://conggiao.info/hoi-dong-giam-muc-nigeria-dung-100-nam-sau-bien-co-fatima-phep-la-mat-troi-mua-duong-nhu-da-tai-dien-tai-benin-city-d-43355
- Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Văn phòng TGM xin thông báo: 
 Kon Tum, ngày 03 tháng 11 năm 2017

THÔNG BÁO

Kính thưa Quý Cha và Gia Đình Giáo Phận,
Được phép của Đức Giám Mục Giáo Phận, Văn Phòng Tòa Giám Mục
xin trân trọng thông báo cùng toàn thể Gia đình Giáo Phận
Lễ Truyền Chức Linh Mục và Phó Tế
trong tháng 12 năm 2017 được ấn định như sau:
  • Thời gian : 05g30 sáng thứ Bảy, ngày 02.12.2017
  • Địa điểm :Nhà thờ Chính Tòa Kon Tum. 13 Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum.
Xin anh chị em cầu nguyện cho các tiến chức và cứ theo lương tâm, gửi sớm các nhận xét hoặc các thông tin liên quan tới các tiến chức có tên dưới đây về Tòa Giám Mục hoặc qua các Cha Xứ, đúng theo tinh thần như điều khoản 1043 ghi rõ : “Các tín hữu nào biết các ngăn trở lĩnh chức thánh, thì có bổn phận phải trình lên Bản Quyền hay Cha Sở trước ngày truyền chức.”
Danh sách các tiến chức:
  1. Thầy Phó tế Antôn Lê Bảo Văn, ứng viên linh mục
sinh ngày 01. 01. 1976. thuộc giáo xứ Phú Quang, giáo hạt Chư Sê.
  1. Thầy Giuse Nguyễn Thời Danh, ứng viên phó tế
sinh ngày 05. 04. 1984, thuộc giáo xứ Thánh Tâm, giáo hạt Pleiku.
  1. Thầy Marcô Trần Quý Phương Linh, ứng viên phó tế
sinh ngày 23. 04. 1979, thuộc giáo xứ Võ Lâm, giáo hạt Kon Tum.
  1. Thầy Inhaxiô Lê Hoàng Bảo Quỳnh, ứng viên phó tế
sinh ngày 10. 03. 1983, thuộc giáo xứ Kon Trang Mơnei, giáo hạt Đăk Hà.
Tất cả để tôn vinh Thiên Chúa và phần phúc mọi người.
Hiệp thông,
 Lm Lu-y G. Nguyễn Quang Hoa
Văn Phòng TGM Kon Tum
—— 000 ——



Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Cha Roberto Fiscer, một ex-DJ, dùng âm nhạc để loan báo Tin Mừng


10/26/2016 9:47:20 AM
Cha Roberto Fiscer là một Linh mục trẻ say mê âm nhạc. Trước khi trở thành Linh mục, cha là DJ trong một vũ trường. Với lòng say mê âm nhạc, cách đây vài năm cha đã lập một đài phát thanh ở Genova với tên gọi “Fra le note” (giữa các nốt nhạc).
RobertoFiscer.jpg 
Cha Roberto Fiscer như một DJ trong một quán bar trên
bãi biển của Arenzano ở miền bắc Italy.
Giới trẻ yêu thích đến với cha Roberto vì cha là người vui vẻ và năng động, có thể nói về Thiên Chúa và Tin Mừng bằng các tài năng và lòng nhiệt thành mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Cha Roberto đã mang lời của Chúa và loan báo Tin mừng bằng âm nhạc, lôi kéo nhiều người trẻ đến với sáng kiến của mình. Cách đây vài năm, Cha còn thành lập một vũ trường Công giáo. Cha đã kể lại hành trình ơn gọi của mình trong chương trình “Chứng từ đức tin” như sau:

“Thành thật mà nói, ý tưởng trở thành Linh mục rất xa vời đối với tôi, bởi vì trong con người tôi chỉ có tôi, cái tôi đầy trong người tôi. Thiên Chúa cũng vất vả để đi vào trong một trái tim đã bị chiếm hữu. Khi tôi vừa lớn lên, mẹ tôi đã qua đời và từ đó trong lòng tôi ghi khắc một thông điệp: ‘nếu mày là một người có địa vị, thành công, thì mày sẽ được yêu mến.’ Nhưng trong khi đi tìm mua sự yêu thương thì bạn cũng phải trả giá và tôi hầu như rơi xuống tận đáy sâu. Tôi nói hầu như, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ tôi một mình và qua một số bạn thân ở giáo xứ lân cận tôi đã tham gia vào một số công việc phục vụ nho nhỏ trong nhà thờ. Tôi đã xa rời giáo xứ nhưng tôi rất chuyên nghiệp trong các trò chơi và linh hoạt và Chúa đã làm như thế để chạm đến tôi.

Niềm vui mà tôi tận hưởng là thật và chân thành. Từ đó Thiên Chúa làm cho tôi cảm thấy Ngài hơn và chúng tôi ở cùng chỗ với nhau và tôi trở nên nhạy cảm với việc Ngài đến và đi trong cuộc sống của tôi. Ai biết đã bao lần chúng tôi đi cùng thang máy mà không nhận biết. “Phát súng ân huệ” xảy đến vào năm 2000, khi họ đề nghị tôi cùng đi Roma tham dự Đại hội Giới trẻ với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi khởi hành cùng một nhóm nhỏ thanh niên với mục đích rõ ràng là để tìm bạn gái. Nhưng cô gái tôi gặp là một cô gái đặc biệt với tên gọi Đức tin, Đức tin vào Thiên Chúa, được cảm nhận như một ao ước cầu nguyện sâu thẳm. Tôi nhìn thấy các Linh mục vui cười, đùa giỡn, làm thành những vòng tròn cùng với các thanh thiếu niên. Tôi trở về nhà, giữa một cô gái mà tôi đã quen biết trên chuyến xe lửa từ Roma về Genova và Đức tin mà tôi mới gặp thấy, có một cuộc chiến tốt đẹp trên mặt trận trái tim của tôi. Ai sẽ thắng? Nhưng khi Chúa Giêsu đẩy trên máy gia tốc thì khó có ai vượt qua Ngài và những Linh mục vui tươi hạnh phúc như thế gợi lên trong tôi một ước muốn chiến thắng hạnh phúc như họ: ‘Tại sao họ hạnh phúc còn anh thì không?’ Và trong giây phút đó, đúng trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ơn gọi của mình. Tôi đã rời bỏ công việc và sở thích của mình, vũ trường và cửa hàng điện thoại và gia nhập chủng viện vào tháng 9 năm 2000.”

Được hỏi giới trẻ phản ứng thế nào với hình thức loan báo Tin mừng bằng âm nhạc của cha, cha Roberto cho biết trước hết bạn phải thử sống điều bạn loan báo và bạn sẽ trở nên đáng tin và giới trẻ kính trọng và đi theo bạn. Lắng nghe những yếu đuối của họ cũng là loan báo Tin mừng. Làm cho họ nhìn thấy nơi bạn không phải là những robot mang cổ trắng của Linh mục, nhưng là thanh thiếu niên như họ. Trước khi trách rằng giới trẻ không lắng nghe, không tham dự Thánh lễ, chúng ta tự hỏi mình xem chúng ta có đến với họ chưa.

Vũ trường Kitô giáo mà cha Roberto thành lập đúng hơn là một làng du lịch, nơi có không gian rộng lớn trên bãi biển nơi các thanh thiếu niên sinh hoạt ca hát và trình bày chứng từ và sứ điệp. Còn chương trình radio “Giữa các nốt nhạc” dùng âm nhạc để đưa các thanh thiếu niên đến gần với các giá trị của cuộc sống: giá trị của chia sẻ, của bình đẳng, sự quý giá và duy nhất của sự sống mà chúng ta không thể vất bỏ đi. Các thanh thiếu niên được hướng đến suy tư về những vấn đề quyết định mà thường họ không nghĩ đến và là cơ hội để Giáo hội đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa.

(Hồng Thủy, RadioVaticana 25.10.2016/
Cristiani Today 16/02/2016)

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2016/10/28/cha_roberto_fiscer,_m%E1%BB%99t_ex-dj,_d%C3%B9ng_%C3%A2m_nh%E1%BA%A1c_%C4%91%E1%BB%83_loan_b%C3%A1o_tin_m%E1%BB%ABng/1268467
Sưu Tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Giáo sư Tiến sĩ Toán học Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo

 DXS: Báo chí Việt Nam viết về nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh:



Nguyễn Xuân Vinh, nhà khoa học người Việt ở NASA


Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Khi có dịp đến thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Houston, bang Texas, những người Việt Nam sẽ không khỏi cảm thấy tự hào khi thấy tên của một người Việt được trang trọng tôn vinh, đó là giáo sư – tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh, người đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng. Khi còn ở Việt Nam ông là Tư lệnh Không quân QLVNCH và là nhà văn  Toàn Phong  nổi tiếng với tác phẩm Đời Phi Công được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.
image

Vạch quỹ đạo lên mặt trăng

Nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về tính toán quỹ đạo tối ưu cho những chuyến bay lên mặt trăng dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hàng không và không gian Mỹ NASA. Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình này.
image
Thăm viếng Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Honolulu(1962)

Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất.
image
Quỹ đạo vệ tinh co lại do sự cọ xát với bầu khí quyển
Ngoài tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, suốt 40 năm qua hàng trăm chuyên gia người Việt các thế hệ đã nối tiếp nhau để lại nhiều dấu ấn trong những thành tựu của NASA. Chỉ tính riêng cơ quan Ames Research Center của NASA ở Moffett Field, bang California đã có hơn 100 chuyên gia là người Việt. Bay vào vũ trụ dài ngày
Thái Hà 
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo

Hôm 19/10/2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai Thanh Lương làm phép Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California, nhận tên Thánh là Anphongsô. 
Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày.
 Hiện diện trong dịp trọng đại này có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ là người đỡ đầu trong nghi thức Thánh Tẩy. 
Trong thánh lễ đồng tế có Cha Mai Khải Hoàn, Cha Cao Phương Kỷ, Cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, nhà văn và nghệ sĩ. Ông cũng là cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ nhiệm quân vụ, ông sang Hoa Kỳ du học.
Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên khoa học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia.
- Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965;
- Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972;
Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian(Académie Nationale de l' Air et de l'Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.
Trong suốt hai mươi năm (1979- 1999) là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế.
Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Về văn học, ông Nguyễn Xuân Vinh lấy bút hiệu Toàn Phong và là tác giả Đời Phi Công, một cuốn sách bán rất chạy và được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.
Ông cũng là tác giả cuốn Gương Danh Tướng do Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, in năm 1957 và tập tùy bút Theo Ánh Tinh Cầu do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990.
Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn Sách giáo khoa Toán học bằng tiếng Việt trong đó có hai cuốn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản.
Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:
Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series.
Nguồn: vietcatholic.net



                         Giáo sư Tiến sĩ Toán học nhận lãnh Bí                          tích Thanh tẩy gia nhập Giáo hội Công                         giáo ngày 19-10-2016 tại Thánh đường                          Saint Bonaventure Church, ở                                          Huntington Beach, California, USA,                               nhận tên Thánh Bổn mạng là          Anphongsô. 





Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày do  Đức Cha Mai Thanh Lương chủ sự
Nguồn: https://danxuanson.blogspot.com/2016/10/giao-su-nguyen-xuan-vinh-gia-nhap-ao.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Giới thiệu Logo chính thức cho Năm Mục vụ Gia đình 2017






Giới thiệu Logo chính thức cho Năm Mục vụ Gia đình 2017:
“Chuẩn bị cho Người trẻ bước vào Đời sống Hôn nhân”

WHĐ (25.10.2016) – Trong “Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa” ngày 7 tháng 10 năm 2016, các giám mục Việt Nam tham dự Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm như sau: 
Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; 
Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ; 
Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Nay Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu logo chính thức sau đây để sử dụng cho Năm mục vụ 2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Logo lấy ý tưởng từ hình ảnh 3 thế hệ trong gia đình: ông bà, cha mẹ và con cái như là một biểu tượng truyền thống của gia đình Việt Nam với nhiều thế hệ. Và hình ảnh đó được bao bọc bởi trái tim như là biểu tượng của tình yêu – nền tảng cơ bản đầu tiên của gia đình.
Thiết kế logo toát lên được hình ảnh của gia đình Thánh Gia là khuôn mẫu trọn hảo cho mọi gia đình công giáo. Gói trọn trong hình ảnh trái tim, chúng ta còn có thể thấy hình ảnh của của ba thế hệ: ông bà, cha mẹ, và con cái phản ánh hình ảnh của Thánh Gioakim và Thánh Anna trong gia đình Thánh Gia, phần nào đó nói lên tình yêu, niềm vui đoàn tụ, hiệp nhất của các thành viên trong gia đình và sự kết nối trọn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trên chóp đỉnh của trái tim, hình ảnh của thập giá muốn nói lên một tình yêu trao ban. Tình yêu và đời sống gia đình là một hành trình hy sinh và trao ban liên lỉ. Hình ảnh dải lụa gắn liền với truyền thống và văn hóa Việt, óng ả, mềm mại nhưng bền bỉ, được xem như sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Những màu sắc trên dải lụa tượng trưng cho những xúc cảm yêu thương.
Ngoài ra hình ảnh của đôi bạn trẻ đang tiến bước vào đời sống hôn nhân được khắc họa rõ nét tư thế sẵn sàng cùng nhau xây dựng một hạnh phúc bền vững với sự đồng hành và soi dẫn của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, thể hiện qua hình tượng biểu trưng vừa là cây thánh giá vừa là hình chim bồ câu.
Màu chủ đạo là màu đỏ hồng: tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc. Màu tím: tượng trưng cho sự chung thủy, những khó khăn trong đời sống hôn nhân cần có sự gắn kết mật thiết với nhau và với Chúa để có thể vượt qua.
Những nét lượn hồng cũng được lấy cảm hứng từ đường nét và màu sắc của hoa sen Việt Nam vẽ nên một gia đình truyền thống luôn luôn vững vàng và tỏa hương thơm của tình yêu khi gặp sóng gió, khó khăn: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Xin tải về logo tại đây:

Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/gioi-thieu-logo-chinh-thuc-cho-nam-muc-vu-gia-dinh-2017/8318.63.8.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thăm vùng lũ Miền Trung


10/26/2016 4:18:12 PM
Sáng ngày 26.10 đoàn HĐGM Việt Nam do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh dẫn đầu đã viếng thăm và trao quà cho bà con vùng lũ tại H. Hương Khê, Hà Tĩnh.
Tháp tùng với ngài còn có các Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, phó chủ tịch HĐGM VN; Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, phó tổng thư ký HĐGM VN; Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó chủ tịch Ủy ban Caritas VN, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Gp. Thái Bình; Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục Gp. Vinh.

Đức cha chủ tịch HĐGMVN đã có lời động viên khích lệ đồng bào lũ lụt và cũng là những người bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Nữ tu Nguyễn Thị Châu, Dòng Mến Thánh Giá, giáo phận Thanh Hóa chia sẻ: "hành động đến với các nạn nhân lũ lụt của các vị chủ chăn thể hiện tình liên đới với những phận người khốn khổ. Có đến tận nơi mới thấu hết những khổ đau của người dân nơi đây".

HDGVVietNam-05.jpg

HDGVVietNam-01.jpg

HDGVVietNam-02.jpg

HDGVVietNam-03.jpg

HDGVVietNam-04.jpg

(GNsP 26.10.2016)

Nguồn: http://conggiao.info/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-tham-vung-lu-mien-trung-d-38503
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Học viện Công giáo Việt Nam: Hạt giống nẩy mầm


20.09.2016
Sáng ngày 14/9, với châm ngôn: “Thánh giá là tột đỉnh của sự khôn ngoan” (x. 1Cr 1, 17-25), Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) chính thức khai giảng năm học mới 2016-2017 tại trụ sở văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM.
Đây là lễ khai giảng của Khóa Cao Học Thần học, thành phần tham dự là giáo sư và sinh viên cùng với một số nhỏ khách mời là Đấng Bản Quyền của các sinh viên.
Trước giờ khai mạc, lúc 8 giờ 30, tại Hội trường lầu 2 diễn ra cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các giáo sư và sinh viên. Linh mục giáo sư Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ đã cho biết rằng các sinh viên đang hiện diện là những linh mục và tu sĩ đã hoàn tất chương trình Triết học và Thần học tại các Đại chủng viện và các Học viện liên dòng (một số nhỏ đã có cử nhân thần học). Ngoài ra cũng có các nữ tu ghi danh nhưng họ còn thiếu một số môn học cần thiết theo yêu cầu của Học viện. Hy vọng trong tương lai Học viện sẽ có chương trình giúp các nữ tu bổ túc các các môn học này để họ có thể theo học tại trường.
Năm đầu tiên này được gọi là năm chuẩn bị, chú trọng đến sinh ngữ và cổ ngữ, là năm để sinh viên nhận văn bằng cử nhân với điều kiện vượt qua được kỳ thi cuối khóa (cho các sinh viên chưa có bằng cử nhân thần học). Sau khi nhận văn bằng cử nhân, các sinh viên sẽ vào chương trình học chuyên ngành.
Sau khi tốt nghiệp từ HVCGVN, những sinh viên này có thể tham gia giảng dạy tại các Đại Chủng viện. Ước mơ của Ban Giảng huấn là HVCGVN có thể cung cấp thêm giáo sư cho các Đại Chủng viện, và ước mong trong tương lai các sinh viên sẽ là những người có khả năng suy tư, đóng góp cho nền thần học tại Việt Nam cũng như trong khu vực Á Châu.
Linh mục giáo sư Louis Nguyễn Anh Tuấn cũng chia sẻ, “Trước tiên, việc mở Học viện Công giáo tại Việt Nam nhằm hướng tới việc hội nhập văn hóa trong tư tưởng. Nếu học ở nước ngoài chúng ta dễ có khuynh hướng suy tư theo nền văn hóa nước bạn, trong khi đó, việc truyền giáo tại Việt Nam thì cần chúng ta hội nhập văn hóa Việt Nam; thứ hai là về lý do kinh tế, chúng ta sẽ bớt được chi phí cho việc đi học ở nước ngoài, nhưng chất lượng ngang tầm, vì ở đây Tòa Thánh cũng đòi hỏi tiêu chuẩn bằng với các phân khoa Thần học Giáo hoàng trên thế giới. Hoài bão đã thành hiện thực thì chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cảm ơn Giáo hội.” 
Các Giáo sư và sinh viên giao lưu
Thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Trường Tú, SSS có đặt vấn đề về phương pháp học mà các sinh viên sẽ nhận được nơi các giáo sư. Trả lời cho thắc mắc này, Nữ tu giáo sư Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, SM cho biết phương pháp học chắc chắn không thể đi một chiều từ giáo sư đến sinh viên, nghĩa là giáo sư dạy, cho bài, và khi thi sinh viên trả bài. Trong chương trình cao học, ngoài việc giảng dạy của các giáo sư, sinh viên phải có những suy tư và phương pháp học cho riêng mình. Hơn nữa, Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ cũng nhấn mạnh thêm là các sinh viên phải chú trọng đến sinh ngữ để tiếp cận được những tài liệu; tuy thư viện chưa có nhiều sách nhưng các giáo sư sẽ sẵn sàng cho sinh viên mượn các tài liệu học để sao chép.
Đúng 9 giờ 15 quý giáo sư và sinh viên chào đón quý Đức Giám mục (ĐGM) cùng quý khách.
Mở đầu nghi thức khai giảng, Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu xin Chúa thánh hóa buổi lễ. Tiếp theo Nữ tu Maria Hoàng Thị Minh Trí, MTG Gò Vấp trân trọng chào mừng và giới thiệu quý ĐGM và quý khách. Đến dự buổi khai giảng có Đức Tổng Giám mục  Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, Chưởng ấn Học viện Công Giáo; ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo, Viện trưởng Học viện; ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục GP Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký HĐGMVN; ĐGMĐaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục GP Xuân Lộc; ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục GP Quy Nhơn và ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục GP Cần Thơ; Đức ông Giuse Mai Đức Vinh và quý Bề trên Dòng có sinh viên của HVCG. Thành phần ban giáo sư hiện gồm có: LM Louis Nguyễn Anh Tuấn; LM Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS; LM Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ; LM Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM; LM Giuse Tạ Huy Hoàng; LM Phêrô Hà Hương Giang; LM Giuse Lưu Quang Bảo Vinh, CSsR và Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, SM…
Sau phần giới thiệu, ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo, Viện trưởng Học viện tóm lược những bước hình thành HVCGVN, và ngài nhắc lại mục đích của HVCGVN là, “Đứng trước những hoàn cảnh của thời đại, nhất là hai hoàn cảnh sau đây: người Công giáo Việt Nam tiếp xúc với rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống khác nhau. Những tư tưởng và nếp sống đó có thể đóng góp cho việc hiểu và sống Tin mừng được sâu đậm và phong phú hơn, nhưng cũng có thể gây ra những khó khăn, nghi nan về nếp sống theo Tin mừng hay về chính Tin mừng của Chúa; đồng thời, cuộc sống của con người Việt Nam đang dần chuyển biến từ nếp sống có tính cách gia đình và cộng đoàn sang nếp sống mang đậm tính cá nhân, nên truyền thống và tập tục sống đạo sẽ không đủ để nâng đỡ đời sống Đức Tin của các tín hữu, mà còn cần có sự hiểu biết và xác tín cá nhân của mỗi tín hữu nữa. Do đó, HVCGVN sẽ góp phần vào nỗ lực nâng cao kiến thức và khả năng thần học của mọi thành phần Dân Chúa.”
Bên cạnh đó, “việc thành lập HVCGVN còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác là xác nhận sự trưởng thành của GHCGVN. Và qua HVCG, GHCGVN sẽ có cơ hội đóng góp với Giáo hội Hoàn vũ những suy tư về Đức Tin và về những kinh nghiệm sống Đức Tin của mình. Vì tuy cùng một Đức Tin, nhưng Đức Tin sẽ được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo sắc thái văn hóa và hoàn cảnh sống riêng biệt của mình.”
Ngài cũng cho biết, “Đặc tính của HVCGVN là tinh thần hiệp nhất, biết quy tụ những yếu tố khác biệt và biến chúng thành yếu tố bổ túc cho nhau, làm cho tất cả được thêm phong phú, bởi HVCGVN là kết quả của sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa; Ban Giảng huấn và sinh viên cũng thuộc nhiều giáo phận, nhiều Dòng tu. Ngoài ra, Học viện cũng có chương trình mời một số vị thỉnh giảng từ các Đại học Quốc tế và liên kết với các Đại học Quốc tế cho một số chương trình cụ thể.” Cuối cùng, ngài nói lên “ước mơ của Giáo hội Công giáo Việt Nam là Học viện sẽ là Đại học Công giáo được tham dự vào việc giáo dục ở các ngành khác ngoài Thần học; Học viện sẽ có uy tín trên thế giới và mở rộng để phục vụ các Giáo hội địa phương trong khu vực.”  
 
Đức Cha Giuse giới thiệu Ban Giáo sư
Tiếp theo, Đức Tổng Phaolô bày tỏ niềm vui mừng khi ước mơ đã được hình thành và hy vọng Học viện sẽ đạt được hiệu quả tốt đẹp và ngài tuyên bố khai mạc Khóa học Cao học Thần học của HVCGVN.
 
Đức Tổng Phaolô tuyên bố khai mạc năm học mới
Sau đó, mọi người cùng tiến lên lầu 6 tham dự Thánh lễ Tạ ơn và dâng năm học mới cho Thiên Chúa. Trong bài giảng Đức Tổng Phaolô kêu gọi tất cả cầu nguyện cho Đức Cha Viện trưởng, cho các sinh viên đầu tiên của trường, “xin Thiên Chúa chúc phúc cho những nỗ lực và thiện chí của mọi người. Xin cho mọi sự được xuôi chảy từ lúc ban đầu. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi người, mọi công việc trong Học viện.” Ngài đặc biệt vui mừng khi HVCGVN chọn ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá là ngày khai giảng năm học, vì “mọi người Công giáo đều phải theo con đường thập giá của Đức Kitô là con đường dẫn từ thập giá đến vinh quang. Học viện của chúng ta chắc chắn phải trải qua con đường thập giá, con đường rất chông gai và đầy dẫy những khó khăn để cuối cùng mới có thể đạt được những thành công. Và khó khăn đầu tiên là khó khăn về tài chánh. Chúng ta bắt đầu từ con số không: không đất đai, không nhà cửa. Học viện trên nguyên tắc là có nhiều giáo sư nhưng nếu không có thù lao thì liệu các giáo sư với bằng tiến sĩ có thể dạy thiện nguyện mãi được không? Tôi nói lên khó khăn này không để chúng ta nản chí nhưng để chúng ta cầu nguyện cho Đức Cha Viện trưởng, để chúng ta cùng vượt qua được khó khăn đó và Học viện của chúng ta sẽ trở thành nơi uy tín quốc nội và quốc tế.”
Sau bài giảng Ban Giáo sư cùng tuyên xưng đức tin theo Giáo Luật với tư cách là thầy dạy Đức Tin.
Thánh lễ Tạ ơn kết thúc lúc 11giờ. Quý Đức Giám mục, quý khách, các giáo sư và các sinh viên cùng tham gia bữa ăn Agape trong bầu khí thân mật.
Như đã biết, 14.9.2015 Bộ Giáo Dục Công Giáo Tòa Thánh ký sắc lệnh Thành lập HVCGVN nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức thần học và mục vụ của các thành phần Dân Chúa. Văn bằng Thần học được HVCGVN cấp sẽ có giá trị như văn bằng Thần học của các phân khoa Thần học trên thế giới.
 
Thi tuyển ngày 5 và 6/7/2016
Vào hai ngày 5 và 6 tháng 07. 2016 vừa qua, đã có 37 thí sinh dự tuyển vào chương trình cao học của HVCG và có 23 thí sinh đã trúng tuyển. Những sinh viên này là các linh mục và tu sĩ thuộc các giáo phận Hải Phòng (1 sinh viên), Bùi Chu (1 sinh viên), Quy Nhơn (2 sinh viên), Nha Trang (2 sinh viên), Buôn Mê Thuột (1 sinh viên), Xuân Lộc (4 sinh viên), Bà Rịa (3 sinh viên), Mỹ Tho (1 sinh viên), Cần Thơ (2 sinh viên), Long Xuyên (1 sinh viên), và các dòng tu: Dòng Thánh Thể (2 sinh viên), Dòng Thánh Gia (1 sinh viên), Hội Thừa Sai Việt Nam (1 sinh viên), và Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam (1 sinh viên). Năm học 2016-2017 của HVCGVN bắt đầu với Khóa Cao học Thần học với hai chuyên ngành: Thần học Thánh kinh và Thần học Tín lý. Các sinh viên bắt đầu học chính thức vào ngày 15.09.2016.  
 
Buổi học sau ngày khai giảng
Một điều đáng trân trọng là trong số các sinh viên theo học, có linh mục Phaolô Phạm Minh Tân là người lớn tuổi nhất (45 tuổi). Ngài đã làm cha chánh xứ tại Giáo xứ Long Hương (Bà Rịa) được 9 năm, nhưng ngài nghĩ sự hiểu biết về Chúa thì vô hạn, “nếu mình càng học biết về Chúa, về Thánh kinh, về Giáo hội thì càng thêm yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội, ngài sẽ phục vụ tốt hơn.”
Trong vai trò phụ trách chương trình Anh ngữ của HVCGVN, Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng cũng bày tỏ những suy tư về việc Anh ngữ góp phần vào giấc mơ-hiện thực:
Theo “Lịch các môn học trong Năm Chuẩn Bị” của Chương trình Cao Học Thần Học thuộc Học viện Công Giáo Việt Nam, có một số môn học được đánh giá là hết sức cần thiết để giúp sinh viên chuẩn bị cho năm học sắp tới: Giải thích Thánh Kinh, Thần học Căn Bản, Seminar Cựu Ước, Thần học Phao-lô, Lịch sử Thần Học, Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Seminar Tín Lý, Phương pháp Nghiên Cứu…. Bên cạnh đó, ở cả hai ngành Thần học Thánh Kinh và Thần học Tín Lý, các môn ngoại ngữ (cả sinh ngữ lẫn cổ ngữ) rất được chú trọng.
Trong số các môn ngoại ngữ này, Anh ngữ có một vị trí đặc biệt. Bởi lẽ rất tự nhiên, hầu hết các môn học ở trình độ “sau đại học” (graduate studies) này thường đòi buộc sinh viên phải làm việc trên các văn bản tiếng nước ngoài (mà hiện nay, tài liệu học tập bằng Anh ngữ đối với các môn học “chuyên ngành nhà đạo” xem ra không đến nỗi thiếu thốn; thật ra, có thể nói là khá phong phú). Vì thế, không chỉ là kỹ năng tốt trong “nghe-nói” tiếng Anh của sinh viên (với các giáo sư, các bạn đồng môn…) mà cả kỹ năng tốt trong “đọc-viết” bằng tiếng Anh (để làm bài, để nghiên cứu…) sẽ giúp sinh viên hoàn tất tốt hơn những yêu cầu của các môn học.
Năng lực Anh ngữ của quý cha, quý thầy tân sinh viên năm nay được Đại học Thánh Gia (Holy Family University, Philadelphia, USA) phân chia thành ba cấp độ, để tiện việc quý tân sinh viên này được bồi dưỡng thêm: (1) Introductory level (5 sinh viên), (2) Intermediate level (8 sinh viên), và (3) Advanced level (10 sinh viên). Hăng hái phục vụ trong cương vị và khả năng của mình, quý giáo sư “chính gốc tiếng Anh” cùng với quý giáo sư người Việt đã và đang phụ trách việc bồi dưỡng tiếng Anh cho các vị sinh viên theo ba cấp độ nêu trên.
Vây nói tóm lại, theo tinh thần của quý đức cha, quý cha, quý bề trên hữu trách… trong Thánh lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học tại Nhà nguyện Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (72/12 Trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. HCM) vừa qua (14-9-2016), các lớp Anh ngữ cũng đang góp phần mình vào “giấc mơ của HĐGMVN về Đại Học Công Giáo... (thực sự đã và đang) … chính thức thành hình trong những bước đầu”.[1] Rất vui mừng. Rất nhiều hy vọng. Ước mơ đang rõ dần những nét hiện thực.
 “Thánh giá là tột đỉnh của sự khôn ngoan”, thật vậy, dưới bóng Thánh Giá, những cố gắng của HĐGMVN trong việc xây dựng Học viện Công Giáo tại nước nhà và những nỗ lực dấn thân của Ban Giảng huấn cho Học viện, tất cả như những bông hoa thật đẹp dưới chân Thánh Giá. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn thử thách, những vị thầy vẫn luôn quảng đại từng bước dìu dắt, chia sẻ sự hiểu biết để những sinh viên có thể lãnh hội và khám phá được nguồn tri thức, hầu cùng nhau xây dựng Hội thánh Việt Nam. Nguyện xin tình yêu của Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá luôn đồng hành và nâng đỡ mọi thành viên của HVCGVN, để tất cả cùng nhau rao truyền Danh Chúa cho khắp muôn người.


[1] Đinh Đức Đạo, Viễn tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam (Bài phát biểu trong Thánh lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học ngày 14-9-2016, tại Nhà nguyện Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (72/12 Trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. HCM).


  Ban Thư ký HVCGVN
--------------------- 
Nguồn: http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12948
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường